Quan điểm trên được Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói tại hội thảo TP HCM - tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế do thành phố phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, sáng 30/3.
"Phát triển về hướng biển là mong muốn của các thế hệ lãnh đạo và người dân TP HCM. Do vậy, xác định hướng chiến lược để thành phố có kinh tế biển và chuỗi đô thị biển kết nối quốc tế, khu vực trở thành nhu cầu cấp thiết", ông Hoan nói.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố, mô hình tăng trưởng tương lai của TP HCM cần kết nối vùng để đẩy mạnh kinh tế biển, cảng biển gắn chuỗi đô thị biển. Trong đó, vịnh Cần Giờ là cơ hội tạo bước ngoặt, thay đổi phương thức phát triển của thành phố, tức là chuyển từ tăng trưởng dựa trên đất đai sang dựa vào biển. Khu đô thị du lịch Cần Giờ là động lực mới để thành phố đi lên.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển, Phó ban Kinh tế Trung ương cho rằng, là một thành phố có biển, TP HCM đóng vai trò đầu tàu trong các tỉnh, thành ven biển cũng như cả nước. Năm 2020, thành phố chiếm hơn 37% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm hơn 25% tổng FDI các tỉnh, thành ven biển và gần 11% cả nước.
Theo ông Hiển, thời gian qua nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt về phát triển kinh tế, đô thị biển. Nghị quyết 36 của Trung ương Đảng khóa 12 xác định mục tiêu năm 2030, kinh tế biển góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành ven biển chiếm 65% đến 70% GDP cả nước. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, an toàn...
Phó ban Kinh tế Trung ương cho biết Ban mong được lắng nghe ý kiến nhà khoa học và chuyên gia đánh giá, làm rõ vai trò và tầm quan trọng của đô thị hóa, trong đó có các đô thị biển; kinh nghiệm các nước phát triển dự án, đô thị lấn biển; mô hình và chính sách để phát triển các đô thị ven biển trong nước.
"Riêng TP HCM, chúng tôi mong các chuyên gia đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển về phía Cần Giờ gắn với triển khai, thực hiện dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đã được Thủ tướng phê duyệt", ông Hiển nói.
PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, cùng với hệ thống cảng, sân bay như Cát Lái, Hiệp Phước - Long An, Long Thành và các đô thị vệ tinh Nhơn Trạch - Long Thành, Khu đô thị Tây Bắc, TP Vũng Tàu, huyện Gò Công Đông, vịnh Cần Giờ là một trong động lực phát triển cho TP HCM. Nơi đây hội đủ tiềm năng, lợi thế hình thành "chuỗi đô thị biển" kết nối Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công.
Việc sở hữu khu dự trữ sinh quyển thế giới và mặt tiền biển rộng 42.000 km2, khu vực vịnh Cần Giờ có điều kiện trở thành trung tâm đô thị biển hiện đại, du lịch sinh thái tầm vóc khu vực và quốc tế. "Tuy nhiên, các bài toán phân tích chi phí, lợi ích và hiệu quả kinh tế khi TP HCM tiến ra làm chủ vịnh Cần Giờ cần được xem xét ở nhiều góc độ để đem lại hiệu quả cao nhất", ông Anh nói.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục Biển đảo cho rằng, Việt Nam đang đứng ở ven biển chứ chưa phát triển đô thị đảo và biển xứng tiềm năng. Theo ông, trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam cần "mạo hiểm" tiến ra biển lớn bằng việc sớm hoàn thiện các chuỗi đô thị biển, góp phần khẳng định thế đứng của một "quốc gia biển" chứ không phải "quốc gia ven biển". Đồng thời góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cách trung tâm thành phố chừng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP HCM giáp biển với chiều dài 23 km. Huyện rộng hơn 71.300 ha, trong đó 70% rừng ngập mặn và sông rạch; sở hữu nhiều làng nghề truyền thống, lễ hội đặc sắc, thuận lợi phát triển du lịch sinh thái, văn hoá - tín ngưỡng. Chính quyền TP HCM muốn xây dựng khu đô thị du lịch tầm cỡ quốc tế tại đây, góp phần tăng trưởng kinh tế nhưng phải giữ được những lợi thế tự nhiên và văn hóa.
Hữu Công