Ngày 25/6, nhận giấy báo thi tốt nghiệp THPT của con trai đang học lớp 12 trường THPT Nhân Văn (quận Tân Phú, TP HCM), vợ chồng bà Huỳnh Thuý Hằng (46 tuổi, ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) rối bời. Sài Gòn đang là điểm nóng của dịch bệnh, điểm thi là trường trung học ở quận Tân Phú - nơi đang có nhiều chuỗi lây bệnh mới càng khiến họ không yên tâm.
Hơn một tháng qua con bà từ TP HCM về quê, ôn tập trực tuyến khi trường phải đóng cửa, dừng hoạt động nội trú. Hàng ngày, vợ chồng bà và con trai không bỏ sót thông tin về diễn biến dịch bệnh tại Sài Gòn, và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
UBND TP HCM đến ngày 28/6 mới họp để quyết định phương án thi tốt nghiệp THPT đợt 1 (ngày 7 và 8/7) hoặc đợt 2 (chưa xác định ngày) nhưng mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất.
Bà Hằng nhẩm tính, nếu thành phố quyết định thi đợt 1, vợ chồng bà phải đưa con lên trường trước ngày 5/7 mới kịp ổn định chỗ ở, làm thủ tục. Do xe khách lên Sài Gòn đã dừng hoạt động, gia đình tính phương án dùng xe riêng. Hai vợ chồng là viên chức, bà Hằng lại làm việc ở bệnh viện nên khó xin nghỉ phép dài ngày trong giai đoạn này, nên phải thuê tài xế hoặc nhờ người quen.
Gia đình tính thuê khách sạn cho con ở trong 3 ngày thi nhưng cũng không yên tâm bởi dễ có nguồn lây nhiễm Covid-19. Chuyện ăn uống, sức khoẻ cho con những ngày này cũng khiến người mẹ đau đầu. "Thi xong trở về quê, cháu phải được xét nghiệm, cách ly là điều chắc chắn. Nhưng thứ tôi lo nhất là liệu cháu có mang mầm bệnh về hay không, nếu chẳng may có sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ với gia đình, hàng xóm mà là cả địa phương", bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, TP HCM nên cho các trường tư thục mở cửa nội trú để đón thí sinh ở quê lên, ổn định chỗ ở trước ngày thi. Tất nhiên, các em phải khai báo y tế, sàng lọc, xét nghiệm đầy đủ trước khi vào trường. Hiện, học sinh tất cả khối đều được nghỉ, việc chỉ đón học sinh 12 sẽ đảm bảo yêu cầu giãn cách, thông thoáng ở khu nội trú. Học sinh được nội trú ở trường cũng giúp phụ huynh thêm yên tâm bởi có thầy cô hỗ trợ việc ăn uống, đi lại, đôn đốc ôn tập.
Phương án khác được bà Hằng đề xuất là "thí sinh ở nơi nào, thi nơi đó", con bà sẽ được thi tại Cà Mau. Bà kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các địa phương mở thêm một số phòng thi riêng cho các em học nội trú ở TP HCM. "Đây là kỳ thi chung cả nước, ở đâu cũng như nhau, nên cho các em thi tại chỗ để đỡ phải di chuyển, dễ mang mầm bệnh", bà lý giải.
Lo sức khoẻ cho con khi trở lại TP HCM trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp cũng là nỗi niềm của những phụ huynh khác. Họ cho rằng, dù thành phố sàng lọc thí sinh nơi bị phong toả, thí sinh F0, F1, F2 để cho thi đợt 2 nhưng khó tránh khỏi rủi ro, khi mầm bệnh ở nhiều nơi chưa được phát hiện. Nhiều người đồng tình với bà Hằng phương án "thi tại chỗ".
"Địa phương tôi ở chưa có ca nhiễm nào nên thú thực rất run khi đưa con trở lại TP HCM. Nếu đã chia thí sinh làm hai đợt thi thì cũng có thể sắp xếp cho thí sinh nội trú ở tỉnh nào thi tỉnh nấy. Việc này không quá phức tạp về thủ tục ", bà Trần Thị Ánh Nguyệt (44 tuổi, ngụ huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) nói.
TP HCM hiện có hơn 80 trường THPT tư thục, đa phần có tổ chức nội trú. Tuỳ trường, tỷ lệ học sinh ở các tỉnh thành khác khoảng 20-50%. Phần lớn trường tư thục ở các quận đông dân cư, đang là điểm nóng dịch bệnh ở thành phố như Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân.
Giống như phụ huynh, lãnh đạo và thầy cô các trường tư thục cũng đang lo lắng về chỗ ở, phương tiện đi lại của học trò khi quay lại. "Nhiều phụ huynh gọi nói không dám đưa con vào lại thành phố lúc này. Chúng tôi rất muốn giúp gia đình chăm lo cho các em, nhưng trường đang phải đóng cửa nên lực bất tòng tâm", hiệu trưởng trường tư thục ở quận Tân Phú chia sẻ.
Năm nay, TP HCM có hơn 88.700 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó gần 8.000 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Thành phố đã chuẩn bị 155 điểm thi, hơn 3.800 phòng và 12.000 cán bộ, giám thị, nhân viên tham gia công tác thi.
Hiện, giấy báo dự thi đã được các trường THPT chuyển về cho thí sinh qua đường bưu điện. Thí sinh ở nơi phong toả, thuộc nhóm F0, F1, F2 sẽ thi đợt 2. Toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi được xét nghiệm, sàng lọc Covid-19; những người trực tiếp coi thi, chấm thi, in sao đề, làm phách... sẽ được tiêm vaccine.
Mỗi quận, huyện có từ 1-3 điểm thi dự phòng, mỗi điểm thi có ít nhất 2 phòng thi dự trữ dành cho thí sinh ho, sốt, có dấu hiệu bệnh. Địa điểm in sao, lưu trữ bài thi, cơ sở hạ tầng, máy móc, phòng giám sát an ninh... đã được chuẩn bị.
Trong cuộc họp với Sở Giáo dục, Y tế và Công an thành phố để bàn phương án cho các kỳ thi tuyển sinh, Phó chủ tịch UBND Dương Anh Đức yêu cầu mỗi thành viên tham gia công tác thi phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đặt quyết tâm để kỳ thi "diễn ra an toàn tuyệt đối" trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.