Trung tâm phục vụ hành chính công được thí điểm thành lập theo nghị quyết của HĐND TP HCM tại kỳ họp chuyên đề ngày 27/9.
Cơ quan này trực thuộc UBND thành phố, hoạt động thí điểm từ 1/10 đến cuối năm 2026. Từ nay đến cuối năm, nơi này tổ chức lại bộ máy, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị, quy trình giải quyết các thủ tục... Năm 2025 trung tâm bắt đầu giải quyết hồ sơ đa ngành, đa lĩnh vực, không còn phụ thuộc địa giới hay các cấp hành chính.
Hiện việc tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại TP HCM thực hiện theo ba cấp, gồm: 18 sở; 22 quận, huyện, TP Thủ Đức và 312 phường, xã, thị trấn. Công tác giải quyết các thủ tục thực hiện theo chức năng, thẩm quyền mỗi cấp, dẫn đến người dân ở khu vực nào cần ra nơi đó nộp hồ sơ và nhận kết quả.
Lộ trình đến năm 2026, TP HCM sẽ giải quyết hồ sơ thông qua 23 chi nhánh (chi nhánh trung tâm và 22 chi nhánh quận huyện, TP Thủ Đức); 140 điểm tiếp nhận tại các phường, xã, thị trấn thuộc TP Thủ Đức, 5 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ) cùng 4 quận (7, 12, Bình Tân, Gò Vấp), không còn nhận hồ sơ ở các sở ngành.
Theo UBND TP HCM, Trung tâm phục vụ hành chính công là bước tiến tiếp theo của thành phố về thủ tục hành chính, kế thừa mô hình "bộ phận một cửa" hiện nay. Nơi này sẽ tạo chuyên nghiệp trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả về hồ sơ, thủ tục.
Ngoài ra, việc thành lập trung tâm giúp tối ưu nguồn lực ở thành phố, giảm nhân sự các bộ phận một cửa riêng lẻ để sắp xếp sang các công việc chuyên môn. Hiện nay, các bộ phận một cửa tại thành phố có tổng cộng hơn 2.558 công chức, viên chức. Tại một số UBND cấp huyện, xã có những lĩnh vực với hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính không nhiều hoặc chỉ phát sinh theo đợt. Trong khi việc xử lý công việc tại phòng chuyên môn lại thiếu dẫn đến phát sinh nhiều bất cập.
Gia Minh