Nội dung này được đề cập trong kế hoạch triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19 do Sở Y tế TP HCM vừa ban hành. Hoạt động này nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lý sau khi điều trị xong Covid-19, can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất khả năng tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động và sức khỏe người dân.
Các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập cùng xây dựng mô hình điều trị các bệnh lý hậu Covid-19 phù hợp khả năng. Trong đó, tầng một gồm trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức, trạm y tế phường, xã, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ nhẹ.
Tầng hai gồm bệnh viện đa khoa quận, huyện thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ trung bình. Tầng ba là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch.
Các bệnh viện tăng cường hội chẩn với bệnh viện tuyến trên, chuyển viện kịp thời trong trường hợp tình trạng người bệnh vượt quá khả năng điều trị.
Ngành y tế sẽ xây dựng hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người dân hậu Covid-19, đồng thời phát triển nền tảng số về dữ liệu sức khỏe của người dân hậu Covid-19. Đây là một trong những dữ liệu quan trọng về sức khỏe ban đầu, từ đó tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, chuyển đổi số hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19.
Trước đó, Sở Y tế xác định sức khỏe cộng đồng hậu Covid đang là một trong những vấn đề trọng tâm của y tế thành phố năm 2022. Dự kiến quý 2 năm nay, Sở sẽ hoàn thành "Hướng dẫn xử trí các vấn đề sức khỏe sau mắc Covid-19", thực hiện các tài liệu truyền thông về các bệnh lý hậu Covid-19 để người dân có thể tiếp cận.
Lê Phương