Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn cao điểm từ 30/4 đến 4/5, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến cung ứng khoảng 1,5 triệu ghế trên hơn 7.500 chuyến bay nội địa, trung bình 685 chuyến mỗi ngày, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024.
TP HCM là tâm điểm với 5.083 chuyến bay nội địa (hơn một triệu ghế, trung bình 462 chuyến/ngày). Riêng tuyến Hà Nội - TP HCM có hơn 1.200 chuyến bay được lên kế hoạch, tăng 16% so với năm trước.
Tại Tân Sơn Nhất, ngày cao điểm dự kiến có 520 chuyến bay nội địa (tăng 35%) với sản lượng 95.000 khách (tăng 35%). Sân bay sẽ tăng công suất lên 46 chuyến cất hạ cánh mỗi giờ vào khung giờ 6-23h và 36 chuyến/giờ vào ban đêm, thay vì 40-42 chuyến/giờ như thông thường. Các hãng Vietnam Airlines, VietJet Air dự kiến tăng khoảng 20% chuyến bay đêm (23h-5h sáng).
Mặc dù nhà ga T3 Tân Sơn Nhất khánh thành sớm hơn kế hoạch, phần lớn chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines và Vietjet Air vẫn hoạt động tại nhà ga T1.

Máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Giang Huy
Trong khi đó, sân bay Nội Bài dự kiến ngày cao điểm nhất có 370 chuyến bay nội địa (tăng 40%) với khoảng 68.000 hành khách (tăng 40-45%). Điểm nổi bật tại Nội Bài dịp này là việc triển khai sử dụng sinh trắc học trên nền tảng VNeID để làm thủ tục cho các chuyến bay nội địa. Sân bay đã lắp đặt thiết bị tại 5 cửa kiểm tra an ninh và 15 cửa ra tàu bay ở nhà ga T1, giúp hành khách của Vietnam Airlines và Vietjet Air rút ngắn thời gian làm thủ tục và tăng trải nghiệm.
Ngoài lượng khách nội địa, các sân bay trên cả nước dự kiến đón khoảng 5.000 chuyến bay quốc tế (trung bình 830 chuyến/ngày), tăng 20% so với cùng kỳ năm 2024, với sản lượng hành khách ước đạt 792.000, tập trung tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc.
Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng tăng cường tần suất chuyến bay, đồng thời phối hợp xử lý khiếu nại, kiến nghị của hành khách, tránh để xảy ra quá tải và bức xúc tại các sân bay.
Đoàn Loan