Lễ kỷ niệm 80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa được Đảng bộ, chính quyền TP HCM tổ chức trọng thể sáng 23/11, với sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thiện Nhân, phụ trách theo dõi Đảng bộ TP HCM; các lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng...
Trong bài diễn văn, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nói rằng cuộc khởi nghĩa diễn ra đồng loạt với tinh thần và khí thế quyết liệt, giành chính quyền ở nhiều nơi. Lần đầu tiên lá cờ đỏ xuất hiện tại nhiều cuộc biểu tình và những nơi chính quyền được thành lập.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại lễ kỷ niệm 80 năm Nam Kỳ khởi nghĩa. Ảnh: Trung Sơn.
Nam Kỳ khởi nghĩa là cuộc khởi nghĩa vũ trang, diễn ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, làm rung chuyển chính quyền đế quốc... Cuộc khởi nghĩa dù chưa thành công nhưng báo hiệu bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam, nhân dân vùng lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
"Khởi nghĩa Nam Kỳ để lại nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu góp phần cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và đại thắng mùa Xuân năm 1975", ông Nên nói và đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố phát huy tinh thần của cuộc khởi nghĩa để phát triển thành phố xứng đáng đầu tàu cả nước, xứng đáng với tên gọi TP HCM.
Theo lịch sử Nam Bộ kháng chiến, từ Hội nghị Trung ương tháng 3/1939, Đảng đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Sau thời điểm đó, Xứ ủy Nam Kỳ đã xác định chủ trương chuẩn bị kế hoạch khởi nghĩa.
Tháng 3/1940, Xứ ủy Nam Kỳ thông qua đề cương cuộc khởi nghĩa. Sau hàng loạt hội nghị quan trọng từ tháng 3 đến tháng 11/1940, Xứ ủy tiến tới thống nhất tư tưởng khởi nghĩa vũ trang, phát động cuộc khởi nghĩa lật đổ chính quyền địch.

Nhân dân Nam Bộ trong cuộc khởi nghĩa ngày 23/11/1940. Ảnh: Tư liệu.
Đêm 22, rạng sáng 23/11/1940, các cuộc khởi nghĩa nổ ra tại 20 tỉnh, thành phố khu vực Nam Kỳ, mạnh nhất là các vùng Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Lực lượng vũ trang cùng nhân dân nổi dậy, tấn công chính quyền thực dân, chiếm giữ một số quận lỵ.
Vì những lý do khách quan, chủ quan, khởi nghĩa Nam Kỳ chưa đi đến thắng lợi cuối cùng và bị thực dân Pháp đàn áp. Nhiều lãnh tụ của Đảng, của Xứ ủy Nam Kỳ bị bắt và hy sinh anh dũng như: Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai...
Diễn ra trong thời gian ngắn (23/11/1940 đến 31/12/1940), song khởi nghĩa Nam Kỳ có phạm vi rộng và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ lục tỉnh năm 1867. Cuộc khởi nghĩa để lại dấu ấn trong lịch sử dân tộc và được đánh giá là cuộc tập dượt tiến tới thắng lợi Cách mạng Tháng Tám.
Trung Sơn