Nội dung trên được đề cập trong văn bản xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế do Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 24/9.
UBND TP HCM cho biết thành phố đánh giá cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù của TP HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép thành phố áp dụng quy định riêng để có thể mở cửa nền kinh tế. TP HCM sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng.
Chính quyền thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng quan tâm ưu tiên vaccine cho TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn.
Hướng dẫn Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 do Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đang dự thảo và chỉnh sửa nhiều lần. Theo dự thảo mới nhất được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương sáng 25/9, có ba tiêu chí đánh giá thích ứng an toàn Covid-19.
Trong đó, tiêu chí đầu tiên là có ít nhất 80% dân số trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19; hai chỉ số còn lại là tất cả trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và có kế hoạch lập trạm y tế lưu động cũng như Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19; các tỉnh, thành có kế hoạch lập cơ sở điều trị Covid-19 theo mô hình tháp ba tầng, đảm bảo tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng ca bệnh dự báo cao nhất.
Theo hướng dẫn, có bốn cấp độ nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp ứng phó tương ứng, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Chỉ số đánh giá nguy cơ dịch bệnh dựa trên một số tiêu chí như số ca nhiễm mỗi tuần trên 100.000 dân; tỷ lệ người trưởng thành (từ 18 tuổi) được tiêm vaccine. Nếu địa bàn chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng 80% cho người trên 50 tuổi phải tăng biện pháp chống dịch lên một cấp. Quy mô đánh giá cấp độ dịch được áp dụng đến cấp xã, phường hoặc tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xóm...
Việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh được địa phương thực hiện hàng tuần, để chuyển trạng thái chống dịch tương ứng.
Sau khi Bộ Y tế công bố dự thảo, 8 hiệp hội doanh nghiệp đã gửi văn bản đến Thủ tướng cho rằng nhiều quy định của dự thảo vẫn nghiêng về "zero Covid" thay vì "sống chung" và điều này có thể ảnh hưởng lớn tới kinh tế.
Các hiệp hội cho rằng hướng dẫn tại dự thảo chưa tính tới sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước nên thiếu tính linh hoạt. Chỉ số đánh giá đưa ra thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vaccine.
Ngoài ra, việc dự thảo quy định hơn 80% số người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine, sẽ khiến TP HCM vẫn ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) và còn rất lâu (2-3 tháng) mới có thể mở cửa. Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, làm lãng phí nguồn lực và vaccine...
Đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 26/5, đến nay TP HCM - đô thị lớn nhất nước, khoảng 13 triệu dân, đã ghi nhận 366.539 ca nhiễm (gần 50% tổng ca nhiễm của cả nước) và trải qua hơn 100 ngày giãn cách với nhiều cấp độ khác nhau.
Hiện, TP HCM đã tiêm vaccine cho hơn 95% số người trên 18 tuổi, trong đó hơn 6,8 triệu người tiêm mũi 1 và gần 2,4 triệu người tiêm đủ 2 mũi. Thành phố đang chuẩn bị 11 chiến lược để chuẩn bị cho việc mở cửa, khôi phục nền kinh tế.
Hữu Công