Chiều 9/12, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết như trên tại cuộc họp báo Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Bộ Y tế mới cấp phát thêm cho thành phố 25.000 liều molnupiravir và 2.300 liều favipiravir (thuốc kháng virus cùng nhóm với molnupiravir). Ngoài ra, ngành y tế vừa điều chuyển hơn 12.000 liều molnupiravir từ các bệnh viện, cơ sở y tế đã được cấp phát nhưng chưa sử dụng sang cho các trạm y tế thiếu hụt thuốc.
Như vậy, thành phố đang có khoảng 39.000 liều thuốc kháng virus. Tuy nhiên, nguồn thuốc này không quá dồi dào khi tình hình F0 tăng. "Số lượng gói thuốc C không đủ để cấp phát rộng rãi cho tất cả người có kết quả test nhanh dương tính Covid-19", bà Mai nói.
Những người được ưu tiên cấp thuốc kháng virus là F0 trên 65 tuổi, có bệnh nền, theo chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ cao của thành phố. Khi test nhanh tầm soát Covid-19 phát hiện dương tính, họ sẽ được trạm y tế phường đến tận nhà cấp ngay 3 gói thuốc A (hạ sốt, vitamin), B (kháng viêm, kháng đông - chỉ một liều), C. Gói thuốc C người bệnh phải uống ngay, còn gói B uống theo chỉ định của bác sĩ khi có dấu hiệu trở nặng.
Theo bà Mai, những F0 còn trẻ, khỏe, không triệu chứng, đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng bệnh, thì không thuộc chỉ định sử dụng thuốc kháng virus. Họ có thể dùng thuốc khác và thực phẩm chức năng để tăng cường hỗ trợ sức khỏe. Việc dùng thuốc kháng virus không đúng chỉ định có thể dẫn đến hậu quả kháng thuốc, kháng kháng sinh. "Về sau nếu mắc bệnh không có thuốc nào để chữa được, rất nguy hiểm", bà Mai khuyến cáo.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho F0, thành phố còn một số loại thuốc đông y, như 2.200 liều xuyên tâm liên (một loại kháng sinh thực vật) và trên 50.000 liều thực phẩm chức năng Kovir.
Về tình trạng các loại thuốc kháng virus như molnupiravir và favipiravir đang được rao bán trên thị trường dù trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam, bà Mai nói: "Molnupiravir và favipiravir đều là thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành". Do đó, mọi hành động lưu hành, mua - bán thuốc kháng virus trên nền tảng mạng, trên thị trường, đều là bất hợp pháp. Quan điểm của Sở Y tế là xử lý nghiêm tất cả trường hợp vi phạm.
Theo Chánh văn phòng Sở Y tế, hiện các đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở và công an chưa phát hiện trường hợp nào là nhân viên của ngành y tế, đặc biệt là các trạm y tế cố định, lưu động, liên quan đến bán, rao bán các loại thuốc kháng virus được cho rằng đang thử nghiệm lâm sàng. Sở Y tế cùng công an thành phố đang điều tra, truy vết các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Về phản ánh người dân gọi điện đến phường An Khánh (TP Thủ Đức) để hỏi gói thuốc C, phường báo không có nhưng lại gợi ý đi mua một thuốc khác với giá 5 triệu đồng/vỉ, bà Mai cho biết Sở Y tế đã nắm được thông tin. Sở Y tế đang thanh tra và phối hợp với công an xác minh, sẽ thông tin khi có kết quả cụ thể.
Tính đến ngày 8/12, TP HCM ghi nhận hơn 482.000 ca Covid-19, đã được Bộ Y tế công bố. Trong số này, hơn 13.000 F0 đang điều trị, trong đó có 473 trẻ em dưới 16 tuổi, 412 bệnh nhân nặng thở máy, 13 F0 phải can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Trong ngày có 1.217 ca mới nhập viện và 1.167 xuất viện, 76 bệnh nhân tử vong.
Đến nay, thành phố đã tiêm tổng cộng hơn 7,9 triệu mũi một và hơn 6,8 triệu mũi hai các loại vaccine phòng Covid-19.
Thư Anh