Trao đổi với VnExpress, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách thuộc Hội đồng nhân dân TP HCM Nguyễn Minh Hoàng thừa nhận, thành phố chưa bao giờ tổ chức kiểm tra, giám sát việc phân bổ, thực hiện dự án, hiệu quả đầu tư... từ các nguồn vốn ODA. "UBND, Ban Kinh tế Ngân sách chỉ nắm tình hình dựa trên thông tin báo cáo lên từ các Sở và đơn vị thực hiện", ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cũng cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào báo cáo của cơ sở thì có thể không đảm bảo tính trung thực, cũng như thực tế hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Ông Hoàng khẳng định, trong vòng 2 tuần nữa, Ban kinh tế ngân sách sẽ thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát trực tiếp đối với các Sở, dự án sử dụng vốn ODA.
Để chuẩn bị cho cuộc kiểm tra trực tiếp, chiều qua, Ban Kinh tế ngân sách đã yêu cầu 3 Sở Tài chính, Kế hoạch Đầu tư và Giao thông công chính gửi báo cáo về tình hình thực hiện các dự án ODA trong khuôn khổ Sở quản lý. Thời hạn cuối báo cáo trước ngày 20/4.
Theo đó, 3 Sở phải làm rõ các nội dung chính là tổng số vốn ODA được nhận và phân bổ cho từng dự án đến hết quý 1; tiến độ thực hiện, chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư; tình hình giải ngân; những thuận lợi, khó khăn, kiến nghị nếu có. Những nội dung này sẽ làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý các dự án ODA tại TP HCM.
Cầu vượt trạm 2, Thủ Đức trên tuyến đường Xuyên Á, có 2/3 tổng vốn vay từ Ngân hàng phát triển Châu Á. Ảnh: Lưu Đức |
Trước đó, UBND thành phố cũng đã có công văn gửi các sở, ban ngành, cơ quan đơn vị và địa phương có liên quan, yêu cầu rà soát toàn bộ các dự án sử dụng vốn thuộc ngân sách Nhà nước, kể cả vốn vay ODA. Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Hải khẳng định, việc kiểm tra là để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sai phạm, thiếu sót, đặc biệt là hành vi tham nhũng, lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng.
Ông chủ tịch cũng giao Chánh thanh tra thành phố phối hợp các sở ngành liên quan lập danh mục các dự án đầu tư, các công trình cần tiến hành thanh tra. Trong đó đặc biệt chú ý đến các công trình và dự án bị báo chí phản ánh, bị người dân khiếu nại, tố cáo có tiêu cực.
UBND TP Hà Nội mới đây đã có văn bản yêu cầu các sở ban ngành rà soát lại các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, vốn ODA trên địa bàn thành phố. Trong đó tập trung vào tiến độ thực hiện dự án, các vướng mắc nảy sinh, tốc độ giải ngân và hoạt động của các ban quản lý. Thành phố cũng yêu cầu Ban chỉ đạo ODA có báo cáo chi tiết về các dự án, những vướng mắc và đề xuất các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án đang thực hiện.
Tổng số vốn ODA rót cho Hà Nội khoảng hơn 650 triệu USD, hiện có khá nhiều dự án chậm tiến độ, vượt dự toán đã đề ra như dự án đường vành đai 3. Thành phố cũng đã xây dựng danh mục kêu gọi vốn đầu tư ưu đãi với khoảng 20 dự án như xây dựng trung tâm thương mại Bắc Sông Hồng, bệnh viện đa khoa Bắc Sông Hồng, các dự án thoát nước...
Nhiều dự án ODA có vấn đề
Theo báo cáo của Tổ công tác ODA thuộc Bộ Kế hoạch đầu tư vào cuối năm ngoái, TP HCM có 12 dự án, trong đó 10 đang triển khai và 2 đã hoàn thành. Các dự án tập trung vào lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông đô thị, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường. Tổng vốn ODA rót cho các dự án này là 1,074 tỷ USD, với 135 triệu USD là vốn viện trợ và 939 triệu USD vốn vay.
Đánh giá của Tổ công tác ODA là tốc độ thực hiện và giải ngân các dự án chậm hơn kế hoạch. Có những dự án sau 4 năm thực hiện, tức là đã đi hết 80% thời gian cho phép, nhưng chỉ mới giải ngân được gần 20%. Điển hình là các dự án Đại lộ Đông Tây, Dự án vệ sinh môi trường khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Dự án cải thiện môi trường nước, Dự án nâng cấp đô thị...
Nguyên nhân chủ yếu được cho là do hệ thống các quy định và định mức hiện hành áp dụng cho việc lập, thẩm định dự toán công trình không còn phù hợp với thực tế các dự án ODA. Sự chênh lệch này dẫn đến việc một số dự án có giá bỏ thầu thấp nhất, vượt giá dự toán 15%-40%, làm chậm tiến độ thực hiện chung. Bên cạnh đó, định mức chi phí cho công tác giám sát thi công hiện hành rất thấp, khoảng 1%-1,5% giá trị xây lắp, nên không đáp ứng được yêu cầu quản lý các dự án ODA là 5%.
Việc chuẩn bị dự án chưa thật kỹ của các chủ đầu tư cũng dẫn đến những thay đổi trong quá trình triển khai thực hiện, gây chậm trễ và phức tạp về thủ tục. Dự án Cải thiện môi trường TP HCM chuẩn bị dự án nhưng không tìm hiểu kỹ địa điểm xây dựng bãi rác, phải thay đổi nhiều lần gây chậm trễ gần 2 năm. Dự án Đại lộ Đông Tây (vốn vay của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản) cũng có đề nghị xin chuyển đoạn đường cao tốc qua Thủ Thiêm thành đường đô thị.Dự án này cũng có chi phí đền bù giải tỏa cao hơn so với dự toán ban đầu là 60%, tức từ 1.720,899 tỷ đồng tăng lên 2.773,334 tỷ đồng. Giá trị các gói thầu của Dự án vệ sinh môi trường đều vượt cao hơn nghiên cứu ban đầu từ 10%-20%.
Ngày 12/4, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công nghiệp, Y tế, Giáo dục và đào tạo có báo cáo về tình hình quản lý các Dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước (Bao gồm cả các dự án ODA) trong thời gian vừa qua. Phó thủ tướng lưu ý làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ quản đầu tư, đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án, cơ chế hoạt động của các ban quản lý dự án, quản lý công sản trong quá trình thực hiện dự án. Báo cáo gửi về Văn phòng chính phủ trước ngày 20/4. |
Phan Anh - Việt Phong