Đến TP HCM, nơi từng được gọi là "hòn ngọc viễn đông" bởi vị trí địa lý chiến lược và hoạt động kinh tế sôi nổi, du khách có thể dễ dàng tìm thấy các món ăn từ nhiều vùng miền khác, từ phở, bánh canh, bánh đa, bánh xèo, bánh tráng, bánh mỳ tới các loại bún, hủ tiếu... Nếu muốn thưởng thức ẩm thực miền Trung, người ta có thể tìm đến chợ Bà Hoa ở quận Tân Bình với mỳ Quảng, bún mắm nêm, bánh xèo, bánh bèo, bánh bột lọc... Còn muốn đổi vị sang các món ăn nước ngoài, TP HCM có khu chợ Campuchia ở quận 10, ẩm thực người Hoa ở quận 5 hay chợ Hàn ở quận Tân Bình.
Đặc biệt, món cơm tấm trở thành một phần quan trọng trong văn hóa ăn uống của người dân TP HCM. Cơm tấm được ăn cùng trứng chiên, bì, sườn heo nướng, chả cá chiên, rưới thêm một lớp mỡ hành. Bạn có thể ăn kèm dưa leo, cà chua, nước mắm khi thưởng thức đặc sản này. Thay vì dùng đũa, thực khách ăn cơm tấm được dùng muỗng và dĩa như đồ Tây, tạo nên nét độc đáo cho món.
Ngoài cơm tấm, các món như bánh tráng, xôi mặn, gỏi cuốn, đặc biệt là bánh mỳ - một trong 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới cũng làm nên tiếng vang cho ẩm thực nơi đây. Từng là món ăn du nhập, bánh mỳ trở thành thức quà đại diện cho ẩm thực đường phố Sài thành với hương vị thơm ngon, hòa quyện với sự khéo léo của người chế biến.
Từ trước năm 1958, thành phố có những cửa hiệu bánh của người Pháp, thường là bánh mỳ đặc ruột và bán thêm thịt nguội theo yêu cầu người mua. Về sau, món ăn này được người địa phương cải biên, ổ bánh không cần quá đặc ruột, nhưng phải giòn, bên trong có pate, vài lát thịt, dùng kèm nhiều loại rau như dưa leo, củ cải, cà rốt cắt sợi, hành và ngò.
Một suất xôi mặn tại TP HCM có thể ăn kèm thịt gà, chả lụa, xá xíu, pate, chà bông, lạp xưởng, tép khô... Đây là món ăn được đánh giá ngon – bổ - rẻ khi vừa hợp với túi tiền, vừa chắc dạ sau khi thưởng thức.
Đặc sản nổi tiếng khác của thành phố mang tên Bác là hủ tiếu. Món có xuất xứ từ hủ tiếu Nam Vang hay hủ tiếu Mỹ Tho, nhưng được chế biến phá cách với nhiều loại nguyên liệu khác nhau như thịt bằm, tim, gan, bao tử, tôm và trứng cút. Bằng đôi bàn tay khéo léo và sức sáng tạo của đầu bếp, nhiều loại hủ tiếu khác nhau được ra đời như bò viên, cá, sa tế...
Nhắc tới xôi mặn, hủ tiếu, không thể không kể đến phá lấu - một phần ký ức đô thị của người dân TP HCM. Nồi phá lấu được làm từ các loại lòng, tim, gan của bò, heo hoặc vịt, thường được ăn kèm bánh mỳ, cơm.
Ngoài các món ăn đường phố, trung tâm kinh tế phía Nam cũng có nhiều đặc sản bánh trái như bánh chuối, bánh bò, bánh da lợn, bánh quai vạc, bánh quy dứa...
Điểm mấu chốt trên hành trình khám phá ẩm thực TP HCM là hương vị đậm đà đặc trưng của các loại nước xốt và chấm. Nguồn cảm hứng này cũng tạo nên các sản phẩm nước tương, dầu hào, hạt nêm Maggi. Nhờ vậy, du khách có thể tự mình chế biến chuẩn vị, học hỏi và khám phá nhiều món ăn độc đáo, tươi ngon cho bữa cơm gia đình.
Thanh Thư