Các động thái phòng chống khai thác cát trái phép trên vừa được UBND TP HCM gửi các sở ngành và 24 quận huyện, yêu cầu phối hợp thực hiện.
Các sở ngành cũng được giao nhiệm vụ tham mưu, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung vào Luật Hình sự theo hướng "giảm định lượng cụ thể" để xác định yếu tố cấu thành tội, đối với hành vi khai thác tài nguyên trái phép.
Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 (xử lý hình sự người khai thác trái phép trên 500 khối cát, hoặc thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng) được cho là chưa phù hợp, khó xử lý "cát tặc" bởi định lượng xác định tội đang quá lớn. Trộm cắp tài sản thông thường trên 2 triệu đồng là bị xử lý hình sự, song trộm cát - tài nguyên quốc gia, thu lợi đến trăm triệu đồng mới bị xử lý.
Ngoài ra, thành phố cũng cần thêm quy định chế tài với hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc; cho phép dùng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ (ghi hình) làm bằng chứng để xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản, giao thông thuỷ; bắt buộc tất cả phương tiện thuỷ khi tham gia vận chuyển khoáng sản phải gắn thiết bị định vị và camera giám sát hành trình...
Riêng Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ tham mưu UBND thành phố lập phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; Cục quản lý thị trường kiểm soát chặt việc kinh doanh cát, nhằm ngăn chặn việc mua bán hoá đơn để hợp thức hoá lượng cát khai thác trái phép.
Trước đó, trong đề án Phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh với các tỉnh được ban hành giữa năm 2019, UBND TP HCM dự kiến xây dựng 2 chốt kiểm soát trên biển và 2 chốt trên sông Đồng Nai (thuộc địa bàn quận 9).
Tổng chi phí là gần 165 tỷ đồng, bao gồm cả việc trang bị nhiều thiết bị như: máy thông tin vô tuyến điện sóng ngắn quân sự công nghệ cao; hệ thống Rada hàng hải có chức năng ARPA; đèn pha đánh tín hiệu, tầm quan sát 3 hải lý; đèn báo vật cản ánh sáng trắng, chiếu 360 độ, xa 5 hải lý; đèn pha dùng cho cứu hộ trên biển và chống tập kích từ xa; hệ thống thiết bị quan sát tầm xa ngày và đêm...
Năm 2020, cơ quan chức năng thành phố đã xử lý 83 vụ với 88 phương tiện khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không hợp pháp; tổng số tiền phạt hơn 1,2 tỷ đồng; tịch thu gần 10.000 m3 cát. TP HCM đã chuyển một vụ cho Công an huyện Giồng Trôm (Bến Tre) tiếp tục điều tra. Ngoài ra, thành phố cũng bàn giao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử lý 5 phương tiện liên quan.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường, việc khai thác cát trái phép giảm 10 vụ so với năm 2019, song tình trạng này trên địa bàn, đặc biệt là vùng biển Cần Giờ, vẫn diễn biến phức tạp.
Hữu Công