Trong đề án phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh với các tỉnh vừa ban hành, UBND TP HCM cho biết sẽ đầu tư xây dựng 2 chốt kiểm soát trên biển và 2 chốt trên sông Đồng Nai (thuộc địa bàn quận 9).
Tổng chi phí cho công tác này là gần 165 tỷ đồng, bao gồm cả việc trang bị nhiều thiết bị như: máy thông tin vô tuyến điện sóng ngắn quân sự công nghệ cao; hệ thống Rada hàng hải có chức năng ARPA; đèn pha đánh tín hiệu, tầm quan sát 3 hải lý; đèn báo vật cản ánh sáng trắng, chiếu 360 độ, xa 5 hải lý; đèn pha dùng cho cứu hộ trên biển và chống tập kích từ xa; hệ thống thiết bị quan sát tầm xa ngày và đêm...
Công tác phòng chống cát "tặc" được giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường, Giao thông Vận tải, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố... phối hợp thực hiện.
Trong cuộc họp hồi tháng 4, TP HCM đánh giá tình trạng khai thác cát lậu trên địa bàn đang ở mức báo động, ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh khu vực... nhất là tại vùng biển Cần Giờ (giáp ranh các tỉnh và TP HCM). Nguyên nhân là khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát san lấp. Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong xử lý do chế tài còn quá nhẹ, quy định lỏng lẻo.
Đại tá Tô Danh Út (Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP HCM) kiến nghị tăng mức phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép và phân cấp thành nhiều mức phạt khác nhau (không chỉ quy định mức khai thác trái phép tối đa bị xử phạt từ 50 m3 trở lên). Ngoài ra, cần xác định khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trộm cắp tài sản để xử lý hình sự, tăng tính răn đe.
Hữu Nguyên