Tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đón tàu trọng tải lớn đầu tiên thông qua luồng Soài Rạp được tổ chức ngày 16/5, ông Lê Hoàng Minh, giám đốc Ban Quản lý dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) cho biết, đến nay việc nạo vét đã đạt độ sâu 9,5m; chiều rộng luồng đạt 120m cho đoạn luồng sông, 160m cho đoạn ngoài biển.
Bên cạnh đó, hệ thống báo hiệu hàng hải, hệ thống phao tiêu và các thiết bị dẫn đường cũng đã được hoàn tất để tàu tải trọng 54.020 tấn vào cảng Container trung tâm Sài Gòn (SPCT) một cách an toàn.
Về phía cảng, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Phó tổng giám đốc cảng SPCT cho biết, khi các tàu đi luồng Soài Rạp để đến cảng SPCT sẽ giúp giảm được 2 giờ chạy tàu, giảm một nửa chi phí hoa tiêu cũng như chi phí nhiên liệu so với đi theo sông Lòng Tàu. Ước tính chi phí tiết kiệm hơn 500.000 USD trong một năm cho tàu 50.000 tấn.
Ngoài ra, luồng Soài Rạp không giới hạn về chiều dài tàu và hạn chế hàng hải vào ban đêm như luồng Lòng Tàu (giới hạn chiều dài tàu dưới 200m khi chạy ban đêm) nên chủ tàu có thể giải phóng và xếp hàng nhanh hơn, qua đó tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian.
Cũng theo vị này, đến nay đã có 5 hãng tàu thông báo với SPCT rằng họ sẽ mở các tuyến vận chuyển thẳng từ TP HCM đến các thị trường lớn trên thế giới, thay vì phải trung chuyển qua một cảng trung gian ở Đông Bắc Á hoặc Đông Nam Á. Theo dự báo của ông Tâm, dự kiến công suất của cảng sẽ tăng trên 50% khi tàu đi qua luồng Soài Rạp.
Khởi công vào cuối tháng 11/2012, dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) có tổng chiều lên đến 54km được thực hiện trên diện tích 1.308 ha mặt nước sông Soài Rạp ở TP HCM, Long An và Tiền Giang. Khối lượng bùn đất nạo vét đợt 1 hơn 11,5 triệu m3. Dự án thực hiện trong 14 tháng với tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Bỉ (2.200 tỷ đồng) và UBND TP HCM đối ứng 624 tỷ đồng.
Theo tính toán, sản lượng hàng hóa thông qua luồng Soài Rạp đến năm 2025 khoảng 120-150 triệu tấn. Vì vậy, nguồn thu do luồng Soài Rạp đem lại trong 10 năm đầu (2015-2025) ước chừng 580.000-720.400 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí để nạo vét, bảo dưỡng luồng và trả nợ vay của Chính phủ Bỉ trong 10 năm chỉ khoảng 4.810 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1% tổng khoản thu.
Hiện tàu biển từ biển Đông vào TP HCM phải vòng qua mũi Vũng Tàu, vịnh Rành Rái và các sông Ngã Bảy, Lòng Tàu, Nhà Bè và Sài Gòn với quãng đường 85 km. Mặt khác, luồng Lòng Tàu không rộng, không đón được các tàu biển lớn ra vào. Điều này đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển của thành phố. Việc có được nguồn vốn nạo vét luồng Soài Rạp cho tàu có trọng tải lớn vào lấy hàng tại cảng Hiệp Phước sẽ giúp di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành TP HCM được nhanh hơn và góp phần giảm ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cùng với luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, luồng tàu biển trên sông Soài Rạp giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một trong những vùng phát triển quan trọng bậc nhất đất nước và là một trong những thương cảng quan trọng trong khu vực. |
Hữu Công