Theo ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư nạo vét luồng Soài Rạp (Sở Giao thông Vận tải TP HCM), tổng chiều dài nạo vét của dự án lên đến 54 km được thực hiện trên diện tích 1.308 ha mặt nước sông Soài Rạp ở TP HCM, Long An và Tiền Giang. Khối lượng bùn đất nạo vét đợt 1 hơn 11,5 triệu m3. Dự án thực hiện trong 14 tháng với tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Bỉ (2.200 tỷ đồng) và UBND TP HCM đối ứng 624 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND TP HCM, Sở GTVT cùng các đại biểu nhấn nút khởi công dự án nạo vét luồng Soài Rạp sáng 24/11 tại TP HCM.
Lộ trình nạo vét luồng sông Soài Rạp có 3 giai đoạn. Đầu tiên là nạo vét đến độ sâu 9,5 mét để tàu có trọng tải 30.000-50.000 tấn cập cảng Hiệp Phước. Giai đoạn 2 nạo vét đến độ sâu 11 mét cho tàu có trọng tải 50.000-70.000 tấn ra vào và cuối cùng sẽ nạo vét đến độ sâu 12 mét để phục vụ tàu trọng tải 70.000 tấn.
Theo tính toán, sản lượng hàng hóa thông qua luồng Soài Rạp đến năm 2025 khoảng 120-150 triệu tấn. Vì vậy, nguồn thu do luồng Soài Rạp đem lại trong 10 năm đầu (2015-2025) ước chừng 580.000-720.400 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí để nạo vét, bảo dưỡng luồng và trả nợ vay của chính phủ Bỉ trong 10 năm chỉ khoảng 4.810 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1% tổng khoản thu.
Luồng Soài Rạp đưa vào sử dụng tác động rất lớn đến khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cụm cảng TP HCM, tăng thu ngân sách thuế xuất nhập khẩu rất lớn cho đất nước và kéo cả vùng đô thị Hiệp Phước phát triển theo. Cùng với luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, luồng tàu biển trên sông Soài Rạp giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một trong những vùng phát triển quan trọng bậc nhất đất nước và là một trong những thương cảng quan trọng trong khu vực.
Sau khi luồng sông được nạo vét, tàu thuyền lớn từ biển Đông và từ Đồng Bằng sông Cửu Long vào TP HCM có thể rút ngắn rất nhiều lộ trình.
Theo ông Trần Thế Kỷ (Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM), cùng với việc nạo vét luồng tàu biển trên sông Soài Rạp, Sở đã trình UBND TP HCM kế hoạch hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ kết nối đến khu vực cảng Hiệp Phước. Trước mắt tập trung xây dựng xong 2 km đường nối từ khu cảng Sài Gòn - Hiệp Phước với hệ thống giao thông chung. Tiếp đó, hoàn thiện hơn 2,2 km đường nối từ khu công nghiệp Hiệp Phước tới nút giao thông Bà Chiêm… để tạo sự đồng bộ giữa đường bộ và cảng.
Hiện tàu biển từ biển Đông vào TP HCM phải vòng qua mũi Vũng Tàu, vịnh Rành Rái và các sông Ngã Bảy, Lòng Tàu, Nhà Bè và Sài Gòn với quãng đường 85 km. Mặt khác, luồng Lòng Tàu không rộng, không đón được các tàu biển lớn ra vào. Điều này đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển của thành phố. Việc có được nguồn vốn nạo vét luồng Soài Rạp cho tàu có trọng tải lớn vào lấy hàng tại cảng Hiệp Phước sẽ giúp di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành TP HCM được nhanh hơn và góp phần giảm ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường. |
Hữu Công