![]() |
Nhu cầu đường ăn sẽ tăng cao khi vào mùa Trung thu. Ảnh: (SGGP) |
2 đơn vị được TP HCM đề nghị là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn. Đây là hai doanh nghiệp nhập khẩu chủ lực của thành phố, có khả năng về vốn và nhiệm vụ tham gia bình ổn giá cả thị trường đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó, có đường ăn.
Riêng Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn (Infoodco) là doanh nghiệp Nhà nước vừa được chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần chuyên kinh doanh hàng thực phẩm công nghệ. Đặc biệt là mặt hàng đường, công ty có mạng lưới phân phối rộng khắp trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh lân cận. Do đó, nếu được làm đầu mối nhập khẩu đường, hai đơn vị này sẽ cung ứng hàng hóa cho thị trường thành phố nói riêng và các tỉnh thành lân cận nói chung.
Hiện giá đường bán sỉ tại chợ đầu mối Trần Chánh Chiếu trên dưới 11.500 đồng/kg, nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng lên tới 13.000-13.500 đồng/kg. Trưởng Ban quản lý chợ, ông Nguyễn Chí Trung, cho biết, hiện lượng đường về chợ bình quân 100-110 tấn/ngày. So với cùng kỳ năm 2005, số lượng này vẫn thiếu khoảng 20-30 tấn. Theo ông Trung, trước mắt với mức sản lượng này có thể đáp ứng đủ sức tiêu thụ của thị trường, nhưng 1-2 tháng tới sẽ thiếu hụt. Nguyên nhân chính là thời tiết chuyển sang mùa khô, nóng khiến nhu cầu dùng đường giải khát của người dân tăng cao. Đáng chú ý, vào đầu tháng 6, khi các cơ sở sản xuất bánh trung thu bắt đầu hoạt động thì lượng đường trên thị trường càng khan hiếm, chắc chắn giá bán còn tăng cao. Do vậy, việc nhập khẩu thêm đường là việc làm cần thiết cho thị trường TP HCM.
"Hiện giá đường chưa bị tác động bởi sự biến động của xăng dầu, do lượng hàng tồn kho của nhà phân phối vẫn còn. Tuy nhiên, chỉ một hai ngày tới, giá đường sẽ được điều chỉnh theo giá mới của nhà cung cấp", ông Trung khẳng định.
Nguyễn Thùy