Nội dung này thuộc kế hoạch triển khai đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ vừa được Thành phố ban hành.
Theo Cục Thống kê TP HCM, giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp nói chung ước đạt 579 triệu đồng mỗi ha vào năm ngoái. Như vậy, mục tiêu này kỳ vọng giá trị mang lại của mỗi ha rau vào cuối thập niên tăng gần 50% so với mỗi ha đất trồng hiện tại.
Vào 2023, TP HCM có hơn 6.000 ha rau, sản lượng 219.400 tấn, trong khi kế hoạch đến 2030 chỉ còn 2.500 ha nhưng sản lượng tăng lên 387.000 tấn. Để tiết kiệm diện tích gần 60% nhưng sản lượng tăng 75%, TP HCM sẽ tập trung trồng rau công nghệ cao trên một nửa diện tích vào 2030 (1.000-1.250 ha). Điều này cũng góp phần tăng giá trị mang lại từ mỗi ha hàng năm.
Để triển khai, TP HCM sẽ phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, hỗ trợ phát triển 4-6 chuỗi giá trị rau, liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sẽ đạt 30-40% tổng diện tích.
Song song đó, Thành phố sẽ nghiên cứu, phát triển giống. Hàng năm chuyển giao 5-6 giống rau mới phù hợp với nông nghiệp đô thị bên cạnh chuyển giao kỹ thuật canh tác, sơ chế, chế biến và bảo quản.
TP HCM định hướng đầu tư phát triển sản xuất rau theo hướng xã hội hóa, nguồn lực chính là doanh nghiệp và người dân. Vốn ngân sách sẽ đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện; hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức tham quan, học tập các mô hình sản xuất rau công nghệ cao hiệu quả.
Năm 2023, nông, lâm - thủỷ sản chiếm 0,5% GRDP TP HCM, đạt giá trị 8.190 tỷ đồng. Riêng rau củ quả, mỗi ngày địa phương cần tiêu thụ khoảng 4.200 tấn. Khả năng tự đáp ứng rau khoảng 30%, còn lại nhập các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Đồng Nai.
Dỹ Tùng