"Dân số thành phố mỗi ngày một tăng, công chức phải phục vụ khối lượng công việc nhiều hơn 1,7 lần bình quân cả nước. Vì vậy, chỉ có cách ứng dụng công nghệ thông tin để tăng năng suất mới có thể giảm giờ làm việc", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói tại Hội nghị công bố chương trình chuyển đổi số sáng 22/7.
Theo ông Nhân, Đề án Đô thị thông minh mà thành phố đang triển khai và Chương trình chuyển đổi số vừa phê duyệt đều trên cùng một nền tảng tăng cường ứng dụng công nghệ và phát huy trí tuệ con người để phát triển nhanh hơn.
"Các doanh nghiệp cần có trung tâm giới thiệu, tư vấn giải pháp thông minh đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông... và có thể cho các cơ quan, ban ngành dùng thử miễn phí 3-6 tháng. Nếu hiệu quả dù có phải đầu tư nhiều tiền thành phố sẵn sàng bỏ ra", ông Nhân nói.
Cũng theo người đứng đầu Thành ủy TP HCM, hiện thành phố chỉ mới chi ngân sách 0,4% cho lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông. Vì vậy, sắp tới thành phố cần tính toán tăng chi cho lĩnh vực này vì mức chi trung bình của các nước vào khoảng 1%.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng TP HCM là địa phương đầu tiên công bố chương trình chuyển đổi số, sau khi Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến 2030.
"Cái mới bao giờ cũng rất cần người đi đầu. Sự mở đường của TP HCM sẽ kéo theo đất nước thành công", ông Hùng nói và cho rằng thành phố hãy đẩy các bài toán tới cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với những loại hình doanh nghiệp làm chủ công nghệ cốt lõi, doanh nghiệp phát triển sản phẩm và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
"Cứ 1.000 người dân cần một doanh nghiệp công nghệ số, nên phải có hàng trăm nghìn doanh nghiệp địa phương đưa chuyển đổi số vào mọi mặt đời sống", ông Hùng nói.
Để đáp ứng nhu cầu về hệ thống dữ liệu phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hạ tầng viễn thông hiện hữu cần được chuyển đổi từng bước sang hạ tầng viễn thông băng thông rộng 5G. Ông cũng đề ra mục tiêu mỗi người dân cần có một điện thoại thông minh và mỗi hộ dân có một đường truyền cáp quang.
"Hạ tầng số cần nâng cấp để đáp ứng tài nguyên dữ liệu đều được lưu trữ trong nước. Việc lưu trữ cần đảm bảo an toàn để người dân, Chính phủ tự tin hoạt động trên môi trường số", ông Hùng yêu cầu.
Về phía doanh nghiệp công nghệ, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết thời gian qua, đơn vị này đã đồng hành cùng thành phố xây dựng đề án, chính sách liên quan đến chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số.
"Chúng tôi đã tham gia tư vấn để xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử, kho dữ liệu dùng chung với mong muốn giúp chương trình của thành phố đạt hiệu quả cao nhất. Làm sao để người dân được hưởng lợi nhiều nhất, đem lại giá trị cho người dân nhiều hơn nữa", ông Khoa nói và cho rằng kho dữ liệu dùng chung là gốc rễ của mọi vấn đề chuyển đổi số.
Cũng theo ông Khoa, TP HCM đã đi đúng hướng, đúng trọng tâm với chương trình chuyển đổi số để có thể tạo ra sức bật tăng mức cạnh tranh trong nước và cả khu vực. "Chúng tôi mong muốn thành phố tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tham gia vào hệ thống dữ liệu của chính quyền nhằm phát huy hiệu quả cao nhất", ông Khoa nói.
Đề xuất này của ông Khoa sau đó được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá là "chính đáng" vì nếu không tiếp cận được dữ liệu, doanh nghiệp không tạo được sản phẩm mới. "Thành phố sẽ có quyết định đối với việc phân cấp quyền tiếp cận dữ liệu, theo hướng dữ liệu nào được công khai 100%, dữ liệu nào công khai ở mức độ thấp hơn", ông Nhân nói.
Trước đó, thông tin về chương trình chuyển đổi số của TP HCM, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới toàn diện bộ máy chính quyền.
Cụ thể, đến năm 2025 tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến đạt 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; thông tin người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu thành phố.
Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%; hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh...
"Chuyển đổi số không chỉ là xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động sâu rộng trên mọi lĩnh vực. TP HCM là đô thị lớn, đầu tàu kinh tế cả nước nên không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số", ông Đức nói.
Hữu Công