Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến (Phó ban điều hành đề án đô thị thông minh) vừa trình HĐND thành phố Đề án xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Đề án nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay; giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững và cung cấp nhiều dịch vụ cho đời sống xã hội, người dân.
Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ để có thể ra quyết định một cách tối ưu. Việc tương tác giữa người dân với chính quyền sẽ dễ dàng; đồng thời tham gia giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.
Doanh nghiệp sẽ có môi trường minh bạch, đơn giản, thuận tiện hoạt động và được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định kinh doanh chính xác.
Còn đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kết nối phản hồi thông tin để họ tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.
Áp dụng triệt để công nghệ thông tin
Để xây dựng đô thị thông minh, trong thời gian tới TP HCM phải thực hiện 4 nhiệm vụ: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu; Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội; Trung tâm điều hành thông minh và an toàn thông tin.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, đô thị thông minh mà thành phố đang muốn xây dựng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ với bộ máy hành chính (nâng cao công tác quản lý điều hành) mà còn với mọi lĩnh vực đời sống, xã hội liên quan trực tiếp người dân.
"Việc quản trị đô thị sẽ dần chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động. Thay vì chỉ phản ứng khi xảy ra sự cố, bức xúc của người dân, chính quyền có thể sử dụng công cụ thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn cùng các công cụ phân tích ... để chiết xuất thông tin, tiên lượng các vấn đề có thể xảy ra, xây dựng các chiến lược phát triển và kịch bản ứng phó phù hợp", ông Tuyến nói.
Cải cách hành chính
Trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, đô thị thông minh sẽ giúp người dân, doanh nghiệp "chỉ ở nhà nộp hồ sơ, thanh toán chi phí qua Internet"... rồi ngồi chờ kết quả thông qua bưu điện.
Sở ngành sẽ là đầu mối tiếp nhận dịch vụ công, chủ động liên thông với những nơi liên quan để giải quyết. Khi có kết quả cuối cùng sẽ gửi đến người dân, không để người dân phải "vác hồ sơ chạy lòng vòng".
Những công cụ kiểm soát hiện đại sẽ giải quyết hồ sơ; chặn đứng việc cán bộ thụ lý ngâm hồ sơ, sách nhiễu, gây phiền hà người dân.
Trường hợp khám chữa bệnh ở bệnh viện công sẽ được đăng ký giờ khám, dịch vụ, lựa chọn bác sĩ qua mạng - thay vì phải đến chầu chực xếp hàng mất nhiều thời gian như hiện nay. Thậm chí ở trong nước có thể đăng ký khám, hội chẩn với bác sĩ, chuyên gia y tế nước ngoài...
Tăng năng lực cạnh tranh và chất lượng sống
Dù là trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học của cả nước nhưng so với các đô thị khác trên 2 tiêu chí quan trọng là năng lực cạnh tranh và chất lượng sống, TP HCM đang đứng cuối bảng; xếp sau Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore, Manila (Philippines)…
Nguyên nhân là do dân số tăng nhanh làm quá tải hạ tầng đô thị (dẫn đến kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, tội phạm diễn biến phức tạp); kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, việc quản lý đô thị còn nhiều bất cập, chất lượng phục vụ người dân chưa tốt; ứng dụng công nghệ thông tin chưa mang tính tổng thể, chưa đạt kết nối cao giữa các lĩnh vực...
Theo chính quyền thành phố, xây dựng đô thị thông minh là một xu hướng của thế giới. Từ giữa thập niên 2000, một số nơi trên thế giới đã bắt đầu ứng dụng mạnh các công nghệ thông tin truyền thông như điện toán đám mây, công nghệ di động, mạng xã hội… Việc này nâng cao được năng lực thu thập, chia sẻ dữ liệu và dự báo phục vụ công tác quản lý đô thị; giúp tối ưu các nguồn lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và thúc đẩy phát triển bền vững.
Nhiều quốc gia và thành phố lớn đang triển khai xây dựng đô thị thông minh tiêu biểu như: Singapore, London, Chicago, New York, Seoul, Hongkong... Do đó, thành phố cần tận dụng thời cơ này để trở thành đô thị thông minh nhằm phát huy các thế mạnh, hỗ trợ tốt cho 7 chương trình đột phá.
Trung Sơn