Trong báo cáo vừa gửi HĐND TP HCM về tình trạng rác thải ở một số tuyến đường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết năm 2022, trên địa bàn thành phố phát sinh 113 điểm ô nhiễm do rác thải tồn đọng, nâng tổng số lên 1.002.
Đến nay, thành phố đã giải tỏa được 989 điểm (đạt gần 99%) và chuyển hóa 243 điểm thành các khu vực phục vụ cộng đồng. Ngoài giảm ô nhiễm, việc chuyển hóa các điểm rác thải tồn đọng góp phần tạo thêm không gian cho mảng xanh, nơi vui chơi của người dân.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác tổng vệ sinh các khu vực phát sinh rác trên địa bàn đang được các địa phương quan tâm, thực hiện thường xuyên hạn chế ô nhiễm. Đồng thời, năm 2022 các quận, huyện đã trang bị thêm gần 2.200 thùng rác công cộng trên các tuyến đường, hẻm, nâng tổng số thùng rác ở thành phố lên 42.250. Tuy nhiên, hiện có một số thùng rác bị mất cắp hoặc hư hỏng, ảnh hưởng nhu cầu người dân.
Liên quan công tác phân loại rác, ngành tài nguyên môi trường thành phố cũng cho biết cách đây hai năm đã triển khai đổi mới phương thức phân loại thành hai nhóm chính, gồm: nhóm có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại. Nhưng Luật Bảo vệ môi trường bổ sung quy định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân chia thành ba nhóm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Quy định trên phát sinh một số khó khăn do hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ công tác thu gom không đủ đáp ứng sau khi người dân đã thực hiện phân loại. Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cùng các địa phương rà soát lại hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại cũng như cơ sở vật chất liên quan để trình thành phố triển khai giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Giảm ô nhiễm môi trường là một trong 13 đề án, chương trình đột phá TP HCM. Việc này đang được thành phố tập trung triển khai, mục tiêu đảm bảo vệ sinh, tăng cây xanh, phát giao thông xanh tiến tới xây dựng thành phố thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Gia Minh