Tháng 1/2021, ông Chen đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Thanh Tân, tỉnh Quảng Đông, yêu cầu ly hôn và xác nhận quyền nuôi con nhưng vợ đã định cư ở nước ngoài. Do Covid-19, bà Zhao không thể về Trung Quốc.
Được hai bên đồng ý, toà án mở phiên toà online. Bà Zhao không phải tốn hàng nghìn USD để bay về nước, ông Chen cũng không phải kéo dài sự chờ đợi để giành quyền nuôi dưỡng con hợp pháp.
"Phiên toà trực tuyến thực sự rất thuận tiện, làm giảm chi phí và thời gian", bà Zhao bày tỏ sau phiên toà.
Tòa án điện tử đầu tiên được thành lập tại Hàng Châu vào năm 2015 nhưng vận hành chưa đến 100 vụ mỗi năm. Covid-19 xảy ra đã khiến nhà chức trách nghĩ lại. Từ 1/1/2020 đến ngày 31/5/2021, Trung Quốc đã xét xử online 1,28 triệu vụ án hình sự, hơn 6,5 triệu vụ tranh chấp dân sự và hoà giải thành công 6,14 triệu vụ.
Một phiên tòa video trực tuyến có thể có tối đa 8 người cùng lúc. Các bên sẽ được thông báo qua tin nhắn ngắn sau khi thẩm phán đặt lịch hẹn trực tuyến để xét xử có thể tham gia qua máy tính xách tay và điện thoại di động. Các bên có thể quét mã QR để nhận tài liệu cần thiết.
Một phiên xét xử trực tuyến có ghi âm và video chỉ mất chưa đầy 40 phút trong khi phiên toà thông thường phải mất ít nhất nửa ngày, theo thẩm phán Chen Shi, Tòa án Nhân dân ở Bắc Kinh, người chủ trì một trong những phiên tòa online đầu tiên của Trung Quốc hồi tháng 1/2020.
Covid-19 đến Brazil muộn hơn nhưng quốc gia Nam Mỹ này cũng đã nhanh chóng chuyển các hoạt động tư pháp sang chế độ online để giảm lây lan virus với hơn 1,2 triệu phiên điều trần online từ đầu tháng 4 đến hết năm 2020, tức hơn 4.400 vụ mỗi ngày.
Năng suất của nhiều toà án tỉnh đã tăng 70-80% và đa số các bên đều cảm thấy hài lòng. Cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Datafolha thực hiện trên 1,2 triệu luật sư Brazil cho thấy 63% luật sư tin tưởng vào tính bảo mật của các quy trình của tòa án điện tử và 82% tán thành với mô hình này ngay cả khi dịch bệnh chấm dứt. Việc cắt các cuộc hẹn trước tòa còn giúp luật sư bào chữa tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cả họ và khách hàng.
Luật sư Ralph Veil, hành nghề tại Munich, Đức cho biết, với phiên toà trực tuyến, chi phí đi lại bên thua kiện phải trả cho luật sư thấp hơn nhiều lần.
Dù vậy, phiên toà online vẫn có một số bất cập. Luật sư Allison Brown, thành phố New York, Mỹ nói rằng các sự cố về kỹ thuật là vấn đề lớn nhất. Tháng 9/2020, trong phiên bào chữa online, từ bang California, vùng đang bị ảnh hưởng khủng khiếp từ trận cháy rừng và điện cắt liên tục, thân chủ của Allison Brown phải ra ôtô sạc điện thoại và ngồi trong xe để tham gia.
Trong vụ án khác, một nhân chứng đã gây ra tiếng động khủng khiếp do không tắt micro khi thẩm phán đang phát biểu. Điều này khiến phiên toà phải hoãn trong hơn một tiếng rưỡi, Allison phàn nàn.
Việc xét xử trực tuyến cũng làm mất đi một số điểm hấp dẫn và trang nghiêm của quá trình tố tụng trực tiếp. Ngày 14/7, một luật sư ở Texas bị bắt gặp đang ngủ gật dù đây là phiên tranh tụng liên quan vụ kiện hơn 600 triệu USD. Một bồi thẩm viên đã bị sa thải vì chơi trò chơi điện tử giữa phiên điều trần.
"Thẩm phán đứng trước mặt bạn với chiếc áo choàng uy quyền trên băng ghế cao, không gian trang nghiêm sẽ truyền đạt cho mọi người ở đó, nhất là bị cáo, rằng nghĩa vụ tôn trọng pháp luật quan trọng như thế nào", luật sư Allison chia sẻ cảm xúc về phiên toà truyền thống.
Hải Thư (Theo Remote Court, Xinghua, Legaldialy, Supreme Courts of China)