UBND TP HCM vừa đồng ý chi hơn 28 tỷ đồng cho việc vớt lục bình, rong cỏ, rác thải trôi nổi trên toàn bộ các tuyến kênh: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Đôi - Tẻ, Tàu Hũ và rạch Bến Nghé trong năm nay, theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải thành phố.
Tổng chiều dài các tuyến kênh, rạch gần 25 km và tổng diện tích mặt nước hơn 407.000 m2. Trung bình mỗi ngày có khoảng 35 tấn rác thải, lục bình được các nhân viên vệ sinh vớt lên từ các tuyến kênh này. Tần suất vớt hai ngày một lần.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, trong thành phần rác thải trôi nổi trên kênh, rạch có tới 70% là rác thải sinh hoạt, mút xốp, nylon, thậm chí có cả bàn ghế sofa, xác động vật, phần còn lại là rong cỏ, lục bình. Toàn bộ lượng rác trên đều được đưa về khu xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh để chôn lấp.
TP HCM hiện có khoảng 170 kênh rạch với gần 700 km bị lục bình, cỏ dại phát triển ngăn cản dòng chảy, gia tăng ô nhiễm khu vực nội thành và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Ngoài số lục bình tại chỗ, số khác theo dòng nước di chuyển từ đầu nguồn thuộc các tỉnh lân cận đã khiến sông rạch Sài Gòn ngập tràn lục bình.
Theo Sở Tài chính, mỗi năm ngân sách thành phố bố trí khoảng 1.132 tỷ đồng cho công tác duy tu hệ thống thoát nước và 2.848 tỷ đồng cho thu gom rác...
Hữu Nguyên