Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) vừa đề xuất UBND TP HCM cho phép Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị tăng tần suất vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Từ việc 2 ngày mới vớt một lần, Sở muốn mỗi ngày đều phải làm bởi lượng rác trên kênh hiện phát sinh nhiều, có ngày đến 14 tấn.
Đơn vị phụ trách việc vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc hiện có 20 xuồng, vớt rác trên chiều dài gần 9 km. Nhưng qua các đợt kiểm tra, rác vẫn xuất hiện thành những mảng lớn nằm dọc kênh, tập trung nhiều nhất tại cửa xả trên đường Út Tịch (quận Tân Bình).
Việc tăng tần suất vớt rác nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh ô nhiễm cho dòng kênh chảy qua 4 quận ở trung tâm thành phố.
Theo Sở TN&MT, kênh ô nhiễm chủ yếu do rác sinh hoạt của các hộ buôn bán dọc hai đường Trường Sa, Hoàng Sa. Từ vỏ chai nhựa, túi nylon đến cả ghế sofa, xác động vật... đều bị quăng xuống nước. Ngoài ra, rác còn xuất phát từ những khu nhà ổ chuột bên các con kênh, rạch theo cống đổ thẳng ra dòng kênh.
Kênh Nhiêu Lộc lấy lại màu xanh từ năm 2012 với kinh phí 8.600 tỷ đồng. Để tái tạo môi trường nước, tạo không khí trong lành, cả triệu con cá được người dân và chính quyền TP HCM thả xuống, rác cũng được vớt thường xuyên. Tuy nhiên, việc xả rác gây ô nhiễm đang đe dọa quá trình xanh hóa dòng kênh.
Từ đầu năm đến nay, do dòng kênh ô nhiễm nặng, có hai lần hàng chục nghìn con cá chết trắng mặt nước. Những tuyến kênh đã thực hiện cải tạo, nạo vét và vớt rác thường xuyên đang bị tái ô nhiễm nghiêm trọng. Mức độ ô nhiễm hữu cơ sau một thời gian giảm đang có xu hướng tăng trở lại.
Sơn Hòa