Thông tin được Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Trung Trực đưa ra tại hội nghị liên quan giải phóng mặt bằng, trong đó có dự án Vành đai 3, ngày 28/4. Số tiền nói trên chiếm 46% tổng chi phí đền bù, hỗ trợ tái định cư của dự án ở thành phố (khoảng18.900 tỷ đồng).
Ông Trực cho biết đoạn Vành đai 3 ở thành phố có hơn 90% diện tích đất nông nghiệp. Nếu theo cách làm cũ là triển khai bồi thường đất nông nghiệp và đất ở cùng lúc, tiến độ giải phóng mặt bằng dự án sẽ chậm. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xin ý kiến bộ ngành liên quan thực hiện thu hồi đất nông nghiệp trước, đồng thời vận động người dân có đất ở chấp thuận thu hồi, nhận tiền bồi thường cùng nền tái định cư, mà không cần chờ hết hạn 180 ngày như quy định.
"Đây là cách làm mới, tiết kiệm được 90 ngày so với kế hoạch và có thể bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp để khởi công trước 30/6", ông Trực nói.
Theo cách làm trên, giải phóng mặt bằng ở dự án chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu áp dụng thu hồi đối với trường hợp đồng thuận, thời gian tiếp theo áp dụng cho những người chưa đồng thuận. Thành phố phấn đấu chi trả tiền bồi thường cho người dân trong tháng 8 và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trước 15/11.
Cũng theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi thành phố ra quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư dự án Vành đai 3, các địa phương trên địa bàn đã ban hành quyết định thu hồi đất đạt tỷ lệ hơn 72%. Tuy nhiên, việc giải ngân 8.800 tỷ đồng rất lớn nên các đơn vị liên quan đẩy nhanh để đảm bảo kế hoạch.
Thống kê tổng diện tích giải phóng mặt bằng làm Vành đai 3 trên địa bàn TP HCM khoảng 410 ha, hơn 1.700 trường hợp bị ảnh hưởng. Hiện, chính quyền thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị các khu tái định cư tại chỗ cho các hộ bị giải tỏa trắng, đủ điều kiện.
Đối với trường hợp có nhà, đất bị giải tỏa trắng nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư, các đơn vị cũng đã xây dựng chính sách, chuẩn bị đủ quỹ căn hộ chung cư cho người dân. Ngoài ra, các trường hợp khó khăn, không đủ tiền trả một lần khi mua căn hộ cũng được xem xét cho trả chậm thời hạn 15 năm.
Vành đai 3 đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, được đầu tư giai đoạn một với chiều dài hơn 76 km, tổng chi phí 75.400 tỷ đồng. Ở TP HCM, tuyến dài hơn 47 km, qua TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng.
Gia Minh