Ngày 14/4, gửi văn bản đến các sở ngành và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, lãnh đạo thành phố nhắc đến tình hình Covid-19 cả nước tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Tại TP HCM, số ca nhiễm tăng nhẹ và phát hiện biến chủng mới của Omicron là XBB.1.5. Đây là biến chủng có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.
UBND thành phố đề nghị các đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19, theo dõi sát tình hình dịch để kịp thời ứng phó, tránh tái bùng phát.
Thành phố đẩy mạnh tiêm chủng phòng Covid-19, đặc biệt đối với các nhóm nguy cơ cao. Cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng hậu cần, thuốc men, kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất ca tử vong.
Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang trong các cơ sở y tế, trên phương tiện giao thông công cộng và tại những địa điểm, sự kiện tập trung đông người, nhất là trong dịp nghỉ lễ sắp tới. Các đơn vị tổ chức giám sát tại cửa khẩu, phát hiện sớm người nhiễm, nghi nhiễm để cách ly điều trị.
Trường học là nơi nguy cơ cao lây nhiễm và tạo thành chùm ca bệnh. Do đó, nhà trường được yêu cầu tổ chức phòng chống dịch trong trường, báo cho y tế địa phương ngay khi xuất hiện ca bệnh, đồng thời rà soát tiêm vaccine cho học sinh.
Từ đầu tháng 3 đến nay, TP HCM ghi nhận trung bình mỗi ngày một ca Covid. Số ca nhiễm trong tuần này tăng nhẹ, ngày 12/4 thêm 3 ca, ngày 13/4 có 7 ca. 12 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, không có ca nặng phải thở máy.
Cuối tháng 4/2021, Covid-19 trở lại TP HCM, bùng phát từ tháng 5 tạo thành làn sóng dịch thứ 4 nhanh chóng lan rộng 13 tỉnh phía Nam, sau đó lan cả nước.
TP HCM khi ấy đã trải qua 6 tháng mất mát đau thương nhất trong lịch sử bởi dịch hoành hành, phải phong tỏa, giãn cách xã hội, hơn 80% người dân thành phố nhiễm virus, gần 20.000 người ra đi vĩnh viễn. Giai đoạn chống dịch cũng bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống y tế, giúp TP HCM đúc kết những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực y tế và phòng chống dịch kịp thời để tránh tái bùng phát.
Mỹ Ý