Ý kiến được tiến sĩ Dương Thị Hồng, Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, nói khi làm việc về phòng chống dịch sởi TP HCM, chiều 29/8. Hiện nay, vaccine sởi được Bộ Y tế hướng dẫn tiêm ngừa mũi thứ nhất cho trẻ lúc 9 tháng tuổi và mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi. Thực tế thời gian qua, nhiều trường hợp mắc sởi ở TP HCM là trẻ dưới 9 tháng - nhóm chưa đủ tuổi chủng ngừa.
Theo bà Hồng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng ở vùng nguy cơ cao, vùng có dịch bệnh. Vaccine sởi của Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất đã cung ứng hơn 15 năm qua. Cách đây 4 năm, đơn vị này đã nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tính an toàn và tạo miễn dịch ở nhóm trẻ 6-8 tháng tuổi, được Cục quản lý Dược cho phép chỉ định tiêm chủng.
"TP HCM xem lại các ổ dịch sởi ở các địa phương, cân nhắc chỉ định tiêm ngừa vaccine sởi đơn cho nhóm trẻ 6-8 tháng, đặc biệt trẻ mắc bệnh nền điều trị trong các bệnh viện, có nguy cơ phơi nhiễm với sởi, dễ trở nặng khi nhiễm sởi", bà Hồng nói, thêm rằng khi TP HCM đã công bố dịch, việc tiêm ngừa có thể thực hiện theo các phương án phù hợp tình hình địa phương, thay vì tuân thủ hướng dẫn chung của Bộ Y tế.
Khi đó, trẻ 6-8 tháng tuổi tiêm vaccine sởi sẽ được tính là mũi 0. Tiếp theo, trẻ lần lượt tiêm tiếp mũi một, mũi hai lúc 9 và 18 tháng tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết dự kiến từ 31/8, TP HCM tổ chức chiến dịch tiêm vaccine trên quy mô toàn thành phố. Giai đoạn đầu kéo dài khoảng một tháng, tiêm cho tất cả trẻ 1-5 tuổi, trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao 6-16 tuổi, chưa tiêm đủ hai mũi hoặc không rõ tiền sử. Nhân viên y tế, người làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi, người chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, chưa tiêm đủ hai mũi, cũng được ưu tiên tiêm ngừa. Giai đoạn hai, thành phố sẽ tiêm cho trẻ từ 6-10 tuổi, chưa tiêm đủ mũi.
Hiện, tỷ lệ bao phủ vaccine mũi một cho trẻ sinh năm 2023 trên toàn thành phố chỉ gần 91%. Chưa quận huyện nào đạt 95%. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi thứ hai cho trẻ lớn hơn cũng chưa đạt mốc tạo miễn dịch này.
Theo ông Châu, TP HCM có di biến động dân cư rất lớn, nhiều trẻ từ nơi khác đến sinh sống trên địa bàn, không nằm trong danh sách quản lý tiêm chủng của thành phố. Khảo sát ngẫu nhiên 180 trẻ tại một số phường xã, ghi nhận hơn gần 20% trẻ trên địa bàn có địa chỉ tỉnh thành khác, dẫn đến trạm y tế không biết để mời ra tiêm.
Lãnh đạo ngành y tế thành phố cho rằng trong bối cảnh số ca mắc liên tục gia tăng, dần chuyển sang nhóm trẻ lớn và nhóm trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, việc triển khai chiến dịch tiêm chủng không chọn lọc là cần thiết, để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tăng độ bao phủ vaccine, nhanh chóng bao phủ trên 95% để tạo miễn dịch cộng đồng, kịp thời kiểm soát dịch bệnh.
Thời gian qua, nhiều bệnh viện TP HCM tổ chức tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ điều trị nội trú thuộc nhóm nguy cơ cao cũng như nhân viên y tế nhiều khoa phòng. Các bệnh viện tăng cường tập huấn, phân luồng từ phòng khám để tách các ca sởi riêng, tránh lây nhiễm chéo, không để lọt ca sởi vào những khu điều trị bệnh nhân nặng. TP HCM cũng triển khai đào tạo tuyến trước, cập nhật các hướng dẫn điều trị, tránh chuyển bệnh ồ ạt về tuyến cuối gây quá tải.
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Viện phó Pasteur TP HCM, cho rằng với tình hình di biến động dân cư, khi triển khai chiến dịch tiêm vacine, TP HCM cần lưu ý nhóm trẻ ở các khu nhà trọ, con em công nhân các khu công nghiệp, trẻ ở các vùng ven - nơi có số ca bệnh cao. Bởi, khi trẻ đi tiêm thì bố mẹ phải nghỉ việc. Do đó, cần phối hợp các khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho bố mẹ đưa trẻ đi tiêm.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao sự chủ động của TP HCM trong ứng phó dịch sởi, với các phương án, kế hoạch đồng bộ. Đối với các dịch khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, số ca bệnh đang giảm hơn các năm trước. Do đó, thành phố đỡ nguy cơ dịch chồng dịch, có thể yên tâm tập trung phòng dịch sởi.
"Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất, nếu bao phủ tốt sẽ tạo được miễn dịch cộng đồng. Bệnh chỉ cắt được lây lan khi miễn dịch cộng đồng đạt 95% trở lên", bà Hương nói, thêm rằng dịch sởi rất dễ lây lan, thường xảy ra ở nơi tập trung đông người như trường học, bến xe, nơi công cộng. Khi triển khai tiêm vacicne, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn, có kế hoạch xử trí phản ứng sau tiêm phù hợp.
Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục phối hợp các lực lượng, sớm kiểm soát được dịch trong thời gian sớm, để từ đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh dịp lễ tết sắp đến. Kết nối giữa bệnh viện và cộng đồng, có sự thông báo với địa phương khi trẻ mắc bệnh được cho về tự điều trị tại nhà, tránh để trường hợp cách ly không đảm bảo, gây lây nhiễm trong cộng đồng.
UBND TP HCM chiều 27/8 công bố dịch sởi nhằm triển khai các biện pháp phòng chống, tổ chức tiêm vaccine. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 430 ca sởi, trong khi từ năm 2021 đến 2023 chỉ có một ca xét nghiệm dương tính. Trong hai ngày tới, khoảng 300.000 liều vaccine sởi - rubella (MR) sẽ về tới thành phố để triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Bệnh sởi cũng làm suy yếu sức đề kháng, khiến trẻ dễ mắc các bệnh khác.
Lê Phương