Các cá thể động vật hoang dã được được tái thả vào rừng có thể gồm chim, khỉ, bò sát, mèo rừng, cầy... với số lượng không cố định. Đây là những động vật được thu giữ, giải cứu từ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép. Khi tham gia tour, du khách sẽ băng đường rừng, chiêm ngưỡng khung cảnh nguyên sơ và tham quan một số điểm của vườn quốc gia.
Tour giới hạn 15 người mỗi lần, để không ảnh hưởng tới hoạt động tái thả. Chương trình không thu phí dịch vụ, du khách có thể góp kinh phí tự nguyện để hỗ trợ hoạt động bảo tồn của vườn quốc gia. Du khách có thể theo dõi thông tin chương trình từ fanpage Du lịch Vườn Quốc gia Cúc Phương và đăng ký tham gia trước một tháng. Những người có đăng ký hợp lệ sẽ nhận được thư mời từ vườn quốc gia.
Ngày 20/3, đã có khoảng 50 du khách, gồm các phóng viên, nhà báo và nhóm gia đình tham gia hoạt động thả 92 cá thể, thuộc 17 loài động vật hoang dã về tự nhiên. Trước đó, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã thực hiện hàng trăm đợt tái thả với số lượng hàng nghìn con vật.
Ông Phạm Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, trước đây hoạt động tái thả thường bí mật diễn ra, để tránh người dân săn bắt lại động vật. Những năm gần đây, cùng với sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương và cơ chế xử phạt nghiêm, hiện tượng này không còn. Vì vậy, vườn quốc gia mong muốn công khai với du khách, người dân về hoạt động ý nghĩa này, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cá nhân trong bảo vệ động vật hoang dã và rừng nguyên sinh.
Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, nằm sau trong dãy núi Tam Điệp, thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá. Vườn có diện tích 22.408 ha với chủ yếu là rừng mưa nhiệt đới, là môi trường sinh sống của 122 loài bò sát, lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2.000 loài côn trùng và 135 loài thú. Ở đây có các hoạt động du lịch như đi bộ trong rừng nguyên sinh, du lịch sinh thái, xem động vật hoang dã ban đêm...
Lan Hương