Chủ tịch Toshiba Osamu Nagayama vừa bị cổ đông phế truất tại phiên họp thường niên hôm 25/6 vì quản lý yếu kém. Động thái này cho thấy Toshiba vẫn tiếp tục chìm sâu vào khó khăn bởi những sai lầm quản trị kéo dài. Trước đây, công chúng không lạ gì với hình ảnh lãnh đạo Toshiba liên tục phải cúi đầu xin lỗi tại các sự kiện công khai.
Được thành lập năm 1875, Toshiba đã trở thành một tượng đài công nghệ Nhật Bản khi làm ra bóng đèn, máy giặt và tủ lạnh đầu tiên cho quốc gia này. Tập đoàn đa ngành này cũng từng tiên phong trong các lĩnh vực tivi, máy tính xách tay... và nổi tiếng với các công nghệ sản xuất sản phẩm bán dẫn vượt trội. Đây cũng từng là một trong những thương hiệu công nghệ dễ nhận biết nhất của Nhật Bản.
Tuy nhiên, Toshiba hiện rất khó để có thể quay về thời hoàng kim. Hãng đã phải bán đi các mảng kinh doanh chủ chốt và cổ phần tại các công ty để tồn tại. Các sản phẩm gia dụng từng là niềm tự hào của họ cũng lần lượt rời xa kệ hàng siêu thị khi không thể cạnh tranh về giá với các đối thủ mới nổi ở châu Á.
Sóng gió ập dến Toshiba vào năm 2015 khi công ty này bị phát hiện bê bối gian lận kế toán. Theo kết luận của một ủy ban điều tra độc lập khi đó, Toshiba đã phóng đại lợi nhuận lên thêm 151,8 tỷ yen (1,2 tỷ USD) trong 5 năm. Con số này gấp 3 lần dự tính ban đầu của hãng. Toshiba lỗ chủ yếu ở các mảng cốt lõi tại Trung Quốc, Hàn Quốc và phải chuyển sang tập trung vào cơ sở hạ tầng, điện hạt nhân. Sau khi điều chỉnh lại, Toshiba báo lỗ 37,8 tỷ yen năm 2014.
Kết quả điều tra cũng cho thấy công ty này quản trị kém và thường hạn chế nhân viên đặt câu hỏi với các cấp trên. Ngay sau đó, hàng loạt lãnh đạo cao cấp của Toshiba, trong đó có CEO và phó chủ tịch đã phải từ chức. Toshiba bắt tay vào cải tổ, tái cấu trúc và cải thiện hình ảnh của công ty.
Dù vậy, tình trạng của Toshiba cũng chẳng thể khá hơn. Toshiba vẫn tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng. Đến đầu năm 2017, hãng liên tục trễ hạn công bố báo cáo tài chính do những rắc rối tại mảng điện hạt nhân ở Mỹ. Lãnh đạo hãng này cũng không nghiên cứu cẩn thận việc mua lại CB&I Stone & Webster – thương vụ được coi là giải pháp để chi nhánh Westinghouse (chi nhánh của Toshiba tại Mỹ) hoàn thành các dự án lò phản ứng bị trì hoãn tại Georgia và Nam Carolina khi đó.
Các dự án này của họ sau đó đều bị vượt dự toán và chậm tiến độ. Toshiba cũng thừa nhận đã định giá quá cao CB&I Stone and Webster. Sai sót về mặt quản trị này khiến cả những người trong cuộc và ngoài cuộc đều khó chấp nhận, nhất là khi nó xảy ra đúng thời điểm Toshiba đang nỗ lực củng cố quản trị nội bộ.
Toshiba buộc phải xin phá sản Westinghouse và rao báo khi thiệt hại đến hơn 6 tỷ USD vì dự án điện hạt nhân này. Chủ tịch Toshiba Shigenori Shiga lúc đó cũng phải từ chức để nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng.
Để bù đắp khoản lỗ khổng lồ trên bảng cân đối kế toán, Toshiba quyết định buộc phải bán mảng chip nhớ. Thời điểm đó, Toshiba vẫn là hãng sản xuất chip NAND lớn nhì thế giới, chỉ sau Samsung Electronics.
"Chúng ta phải sẵn sàng bán 100% mảng chip nhớ. Nếu không làm thế, chúng ta không tồn tại được đâu", Yasuo Naruke, Phó giám đốc cấp cao phụ trách mảng chip nhớ của Toshiba nói tại cuộc họp ban lãnh đạo Toshiba. Ông là người từng chứng kiến những ngày huy hoàng trong lĩnh vực này cũng như của cả tập đoàn.
Đến cuối năm, Toshiba đã bán mảng chip nhớ cho quỹ đầu tư Bain Capital của Mỹ với giá 2.000 tỷ yen (18 tỷ USD). Cũng trong năm 2017, Toshiba huy động được 600 tỷ yen (5,4 tỷ USD) từ 60 nhà đầu tư nước sau đợt phát hành cổ phiếu khẩn cấp. Khoản tiền này cùng với tiền bán mảng chip nhớ đã giúp hãng không bị rút niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên từ đó, Toshiba cũng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ cổ đông để minh bạch và tăng cường khả năng quản trị để gia tăng giá trị doanh nghiệp. Hiện tại, một nửa số cổ phần của Toshiba thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi tình hình kinh doanh chưa được cải thiện, doanh thu vẫn đều đặn đi xuống từ năm 2014 đến nay, lãnh đạo Toshiba lại tiếp tục mắc sai lầm trong quản trị. Đầu tháng này, báo cáo dài 147 trang được công bố cho thấy lãnh đạo công ty đã thông đồng cùng chính phủ để giảm bớt sự ảnh hưởng của cổ đông.
Cuộc điều tra độc lập do cổ đông lớn nhất Effissimo Capital Management khởi xướng đã nêu chi tiết cách thức Toshiba phối hợp với các quan chức từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp để cố gắng ngăn chặn các cổ đông gửi đề xuất và thực hiện quyền biểu quyết của họ. Toshiba bị cáo buộc đã tác động đến việc lựa chọn hội đồng quản trị năm ngoái.
Chủ tịch Nagayama đã bị lật đổ trong bối cảnh cổ đông lớn kêu gọi thay đổi hội đồng quản trị của tập đoàn đóng vai trò quan trọng trong ngành năng lượng hạt nhân và các lĩnh vực then chốt khác của Nhật Bản. Ngoài chủ tịch, một thành viên ban kiểm soát cũng bị loại bỏ tại đại hội cổ đông Toshiba hôm qua. Trong thông báo phát đi cuối ngày, Toshiba cho biết CEO Satoshi Tsunakawa sẽ giữ chức Chủ tịch tạm thời của tập đoàn này.
Sau cuộc họp, các cổ đông tư nhân Toshiba cho biết tin tưởng và lạc quan vào tương lai của Toshiba. Họ cho rằng đây là bước ngoặt đánh dấu một kỷ nguyên mới tập trung vào việc tạo ra giá trị, minh bạch cho tất cả các bên liên quan và một cam kết mới trong việc xây dựng niềm tin với các cổ đông.
Với sự ra đi của ông Nagayama, Toshiba "có thể khởi động lại với một cấu trúc mới", theo Masako Egawa, giáo sư Quản trị Kinh doanh, Đại học Hitotsubashi.
Tuy nhiên, tương lai của Toshiba có thể vẫn bất định. Một nhà quản lý quỹ ở Tokyo nói với Nikkei rằng ông không nghĩ việc thay đổi thành viên HĐQT của Toshiba sẽ đem đến một kết quả tích cực.
"Tôi không nghĩ rằng việc thay đổi HĐQT quản trị sẽ cải thiện một cách kỳ diệu khả năng quản trị của Toshiba. Đó là việc công ty này phải có cách kế hoạch tăng cường quản trị và minh bạch hơn thế nào", ông nói.
Còn Hideki Yasuda, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Ace cho rằng khoảng thời gian khó đang ở phía trước giám đốc điều hành Tsunakawa vì việc tìm người cho những chiếc ghế trống có thể sẽ vô cùng khó khăn.
Tại Nhật, không chỉ Toshiba, nhiều tượng đài công nghệ một thời như Sanyo, Sharp, Olympus cũng đã sụp đổ hoặc đang gặp rất nhiều khó khăn vì bảo thủ, thua lỗ hay gian lận tài chính...
Tú Anh (tổng hợp)