Toshiba hôm nay thông báo kế hoạch tách làm 3 sẽ hoàn thành trước tháng 3/2024. Cách đây vài ngày, đối tác lâu năm của hãng - General Electric cũng quyết định tương tự. Hơn 6 năm qua, Toshiba đã chứng kiến một loạt khủng hoảng, trong đó có việc chủ tịch bị phế truất và nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến cổ đông nước ngoài.
Sau khi chia tách, một công ty sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng. Một theo mảng thiết bị điện tử, như chất bán dẫn điện. Công ty thứ ba - sẽ giữ lại tên Toshiba - quản lý cổ phần của doanh nghiệp này tại nhà sản xuất chip nhớ Kioxia Holdings và các tài sản khác.
Toshiba tin rằng sau chia tách, các nhóm doanh nghiệp này sẽ được định giá cao hơn với tư cách là các thực thể riêng biệt thay vì được kết hợp dưới một công ty duy nhất. Các nhà đầu tư có xu hướng giảm định giá các tập đoàn lớn vì khó giám sát từ bên ngoài. Bộ máy phức tạp cũng được cho là khó quản lý hơn so với các doanh nghiệp có trọng tâm rõ ràng.
Sau động thái này, mỗi doanh nghiệp của Toshiba cũng được kỳ vọng sẽ hoạt động theo hướng năng động, có chiến lược kinh doanh riêng, huy động được nhiều vốn và đạt mức tăng trưởng cao hơn.
Khủng hoảng của Toshiba bắt đầu từ một vụ bê bối kế toán năm 2015. Một báo cáo được công bố vào tháng 6 cho thấy bằng chứng về sự thông đồng giữa các giám đốc điều hành của Toshiba và quan chức tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp để ngăn chặn tiếng nói của các cổ đông nước ngoài trước cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng 7/2020. Sau đó, các cổ đông của Toshiba đã cách chức Chủ tịch Osamu Nagayama.
"Toshiba đã để mất lòng tin sau khi bê bối kế toán được đưa ra ánh sáng. Hãng cho biết đã tự cải tổ. Nhưng sau đó, Toshiba lại nảy sinh thêm vấn đề khác. Vì thế, việc tách thành 3 công ty và xây dựng lại hệ thống quản trị là một quyết định đúng đắn", chiến lược gia Masayuki Kubota tại Công ty chứng khoán Rakuten Securities nhận xét. Kubota cho rằng Toshiba sẽ rất khó vận hành cùng lúc cả mảng kinh doanh đã bão hòa và mảng liên quan đến công nghệ thay đổi nhanh.
Tú Anh (theo WSJ/Nikkei)