Tài liệu dài 92 trang của một nhóm gồm 14 chuyên gia của cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington cho rằng nên coi Linux thuộc về Minix mới phải. Là một nhánh của Unix, Minix do nhà khoa học Andrew Tanenbaum thiết kế với mục đích tự giúp bản thân trong việc giảng dạy về hệ điều hành và phần mềm ở Đại học Vrije University, Amsterdam (Hà Lan). Trước khi bắt tay vào phát triển Linux năm 1991, Torvalds đã sử dụng Minix. Báo cáo của Alexis de Tocqueville lập luận rằng Tanenbaum, với nhiều năm kinh nghiệm về hệ điều hành và từng biết mã nguồn Unix, có thể tạo ra Minix trong 3 năm. Trong khi Torvalds, khi đó vẫn chỉ là một sinh viên và không có mấy kinh nghiệm về phát triển hệ điều hành, thì làm sao có thể thực hiện được điều tương tự với thời gian chỉ bằng 1/6. Tại sao những bộ óc kinh doanh đầy mưu lược trong lịch sử của ngành máy tính, với hàng trăm triệu USD tiền vốn, lại đi dùng nguồn Unix nếu nó chỉ đơn giản là viết ra mã từ con số 0 mà không cần mấy sự giúp đỡ hay kinh nghiệm?, Kenneth Brown, Chủ tịch Alexis de Tocqueville, chất vấn. Liệu có thể thực sự xây dựng được một hệ điều hành như Unix chỉ trong vài tháng mà lại không cần cả mã?. Brown nói: Rõ ràng là Torvalds bắt đầu từ chính Minix. Ông ta chỉ việc ăn sẵn khi viết ra Linux. Đó không phải là phát minh. Giả sử ai đó có bản thiết kế của Ford rồi chế ra cái xe Chrysler và không cho Ford hưởng cùng một tí tiếng thơm nào thì đấy đâu phải là phát minh. Dẫn lời Tanenbaum, Brown khẳng định Torvalds còn sử dụng rất nhiều ý tưởng từ Minix, trong đó có hệ thống file. Đáp lại cáo buộc này, Torvalds giải thích: Linux chưa bao giờ dùng mã Minix. Chúng tôi cũng không bao giờ mang nợ mã nguồn của bất kỳ ai khác vì sự thực là chúng tôi chả bao giờ dùng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận chính Unix, chứ không phải Minix, đã đem lại những ý tưởng đầu tiên về Linux. Linux luôn gắn liền với Unix. Chưa bao giờ có ai chất vấn việc Linux rất mở khi tiếp thu các ý tưởng hay của Unix. Với Minix, đó đơn giản chỉ là một cái nền mà trên đó tôi tiến hành công việc lập trình. Phản bác một ý trong báo cáo cho rằng ông đã dần dần thay mã Minix bằng Linux, Torvalds nói: Khi viết Linux thì tôi đang dùng Minix. Nhưng điều đó thì có khác gì việc bạn đang dùng nền Windows khi sáng tác ra một sản phẩm riêng. Chả lẽ như thế thì tác phẩm của bạn cũng là ăn cắp mã của Windows sao?. Báo cáo của Brown còn đặt dấu hỏi xoay quanh con đường mà Torvalds tham khảo mã nguồn Unix. Mã này được công khai dưới dạng chú giải khi John Lions, giáo sư Đại học New South Wales (Australia), giảng bài cho học sinh của ông ta. Những mục chú dẫn này sau đó đã được các học viên phát tán bất hợp pháp và nhiều người nghi ngờ Torvalds đã có được những tài liệu của Lions qua con đường này. Không đúng. Tôi chưa bao giờ xem sách của Lions mặc dù từng nghe nói đến. Lấy mã nguồn Unix từ ông ấy thì lại càng không, Torvalds giải thích. Không chỉ có Torvalds phản đối lập luận trong tài liệu của Alexis de Tocqueville mà ngay cả Tanenbaum cũng không đồng tình với Brown. Torvalds không ăn cắp cái gì để có được mã nguồn Linux. Ông ta đã đọc cuốn sách của tôi và dùng Minix như nhiều người khác. Mã đó là của ông ấy, Tanenbaum phát biểu trên một trang web. Trước Torvalds đã có 5 người khác độc lập tiến hành việc phát triển Unix hay một cái gì đó tương tự. Tất cả đều là những công trình hoàn toàn hợp pháp và không ai bảo ai ăn cắp cái gì. Chính vì tiền đề đó mà bây giờ rất khó nói rằng một ai đó không thể tự thiết kế ra một hệ thống phức tạp như Linux. Với việc công bố tài liệu nói trên, Alexis de Tocqueville tuyên bố đây sẽ là một thách thức trực tiếp đối với vị thế cha đẻ Linux của Torvalds. Tất nhiên, báo cáo này cũng ngay lập tức thổi bùng lên làn sóng chỉ trích của những người ủng hộ mã mở vì họ cho rằng chính Microsoft đứng đằng sau việc này. Một đại diện của Microsoft cho biết trên thực tế, hãng phần mềm khổng lồ đã cung cấp tài chính cho Viện Alexis de Tocqueville suốt 5 năm qua (không cho biết con số cụ thể). Ngoài ra, một số tổ chức nghiên cứu khác cũng nhận được tiền của họ, trong đó có Viện Doanh nghiệp Mỹ, Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, Viện Di sản và Viện Cato. Từ chối nói về nguồn tài chính, Chủ tịch của Alexis de Tocqueville khẳng định: Chúng tôi công bố những gì chúng tôi tìm hiểu và không làm việc cho bất cứ một cỗ máy tiếp thị nào hết. Tuy nhiên, trong báo cáo vẫn có một điểm mà cả Brown và Torvalds đều đồng ý: đó là Torvalds không nên mang danh nhà phát minh Linux nữa. Tôi cho rằng cái từ nhà phát minh đúng là không thích hợp, tác giả hệ điều hành Chim cánh cụt xác nhận vai trò của mình đối với Linux. Brown cho biết ông và các đồng nghiệp đã liên hệ với hơn 20 người liên quan để thực hiện nghiên cứu, trong đó có Torvalds nhưng ông này không phúc đáp và bình luận bất cứ điều gì. Trong khi đó, Torvalds khẳng định không nhận được bất kỳ e-mail của viện nghiên cứu nào gửi tới. Báo cáo của Alexis de Tocqueville được đưa ra vào thời điểm đang có một làn sóng công kích Linux, phần lớn trong số này là do Microsoft phát động khi mà họ hiểu rằng Linux là đối thủ cạnh tranh rất tiềm tàng của Windows. Đáng chú ý hơn nữa, tài liệu này lại được tung ra giữa lúc vụ tranh chấp pháp lý về Linux do SCO khởi xướng vẫn chưa ngã ngũ (SCO cho rằng Linux ăn cắp bản quyền của Unix). Nếu đúng Linux là một tác phẩm phái sinh của Minix, thì Chim cánh cụt sẽ đứng trước nguy cơ bị cáo buộc xâm phạm tài sản trí tuệ của Nhà xuất bản Prentice Hall (Mỹ), nơi đã phát hành nhiều sách về Minix và mã nguồn của hệ điều hành này nhưng lại hạn chế việc sử dụng nó cho đến tận năm 2000. Nếu xét theo nhẽ bị ăn cắp thì có thể nói rằng Prentince Hall đã thất thu hàng chục triệu USD tiền bán sách do sự xâm phạm tác quyền của Linux. Phan Khương (theo CNet, LinuxInsider)
×
|