Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 30/8, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết, cuộc thanh tra dự án Thủ Thiêm đã kết thúc vào 11/7 trên cơ sở có lấy ý kiến của các đơn vị liên quan và TP HCM.
“Đến nay chúng tôi đã có kết luận thanh tra và đang tiến hành các thủ tục cần thiết. Trong nửa đầu tháng 9, chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí đầy đủ kết luận thanh tra đó”, ông Bùi Ngọc Lam – Phó tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Khu đô thị Thủ Thiêm rộng 657 ha, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 (cách 300 m đường chim bay), được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM, có các chức năng về tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí... Hiện dự án đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa.
Tháng 5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ rà soát, làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân Thủ Thiêm về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
"Hết tháng 8 sẽ có kết luận chính thức vụ Con Cưng"
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của VnExpress về kết quả rà soát hoạt động kiểm tra của quản lý thị trường tại Công ty cổ phần Con Cưng, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương nói, việc kiểm tra của quản lý thị trường tại doanh nghiệp này thực hiện theo đúng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
"Đây là công việc thường xuyên trên địa bàn cả nước, với tất cả các loại hình doanh nghiệp, hàng hoá; yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo nghiêm minh, đúng quy trình và không gây phiền nhiễu, làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp", ông Hải nhấn mạnh.
Vì thế, sau khi Bộ có kết luận kiểm tra tại Con Cưng thì cũng quyết định thành lập Tổ đánh giá lại quy trình kiểm tra của quản lý thị trường, đánh giá hành vi của từng cán bộ. "Hết tháng 8 sẽ có kết luận chính thức và Bộ sẽ công khai. Chúng tôi làm chi tiết, cẩn thận và đánh giá cụ thể vi phạm (nếu có) của thành viên đoàn kiểm tra", Thứ trưởng Hải nói.
Hệ thống siêu thị Con Cưng vấp phải nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hoá từ khiếu nại của một khách hàng tại TP HCM khi mua một bộ quần áo thun có mã sản phẩm CF G127011. Khách hàng này cho rằng sản phẩm đã bị cắt tem nhãn, thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan". Từ khi bị nghi vấn, phía Con Cưng liên tục bác bỏ và đưa ra bằng chứng khẳng định mình không bán hàng giả, hàng nhái trong các thông cáo phát đi.
Giữa tháng 8 Bộ Công Thương công bố kết luận kiểm tra cho thấy doanh nghiệp không vi phạm hành vi bán hàng giả như nghi vấn trước đó.
Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu vị trí ga đường sắt cạnh Hồ Gươm
Trả lời câu hỏi về tuyến đường sắt đô thị số 2 và nhà ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông nói "Hà Nội cần làm rất thận trọng".
Theo ông, các phương án được chọn đều có đánh giá chuyên môn. Việc lựa chọn vị trí ga ngầm đảm bảo các tiêu chí như thu hút hành khách, hiệu quả vận tải, đồng thời có tham vấn chuyên gia và các cơ quan; công khai lấy ý kiến người dân.
Với phần ga ngầm C9 nằm trong khu vực bảo vệ 2 hồ Hoàn Kiếm, ông Đông cho rằng, theo chức năng, Bộ Văn hoá có ý kiến về quản lý các di tích và giải quyết việc này trên cơ sở đánh giá các yếu tố liên qua... “Tôi cho rằng Hà Nội sẽ phải tiếp tục nghiên cứu và báo cáo các cấp có thẩm quyền, đảm bảo công năng của ga C9 và đảm bảo bảo vệ di tích”, Thứ trưởng Đông nói.
Mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng, kiến nghị xem xét việc xây dựng dự án đường sắt đô thị số 2. Theo Ủy ban, ga ngầm C9 của dự án này được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu "không chỉ vi phạm Luật di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm Thủ đô".
Bộ Văn hoá cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị vị trí bố trí ga ngầm đường sắt đô thị số 2 xa khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Viết Tuân - Hoài Thu - Võ Hải
Xem diễn biến chính