-
18h45
Tăng trưởng tín dụng năm 2018 mức 17% là 'hợp lý'
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, 8 tháng tăng trưởng kinh tế đang khả quan, kiểm soát lạm phát dù vẫn dưới 4% nhưng vẫn cần cảnh giác từ nay tới cuối năm. Do đó điều hành chỉ số tăng trưởng tín dụng khoảng 17% có thể "thấp hoặc cao hơn tuỳ theo yêu cầu nền kinh tế".
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 30/8, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 8%, chiếm 50% so với kế hoạch ban đầu. "Chỉ tiêu 17% là vừa đảm bảo cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát", ông Tú khẳng định.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, riêng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi "đã có kế hoạch và các ngân hàng luôn đảm bảo vốn cho các dự án này".
-
18h40
Văn phòng Chính phủ tiếp tục theo dõi việc thu hồi sổ đỏ dinh vua Mèo
Trả lời câu hỏi về việc Hà Giang cấp sổ đỏ dinh vua Mèo (dinh thự họ Vương) cho Phòng Văn hoá Thông tin huyện Đồng Văn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trước đây, gia đình ông Vương Duy Bảo là cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình đã gửi thư kiến nghị đến các cơ quan và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Ông Dũng nêu rõ quan điểm, việc lập hồ sơ di tích quốc gia dựa trên cơ sở đánh giá giá trị kiến trúc nghệ thuật của công trình, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích đó. “Như vậy việc xếp hạng di tích không phải để xác lập hay chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của di tích đó”, ông nói.
Theo ông Dũng, hạn cuối Hà Giang phải báo cáo về việc này vào 31/8, nhưng Văn phòng Chính phủ chưa nhận được báo cáo. Tuy nhiên, ông được biết tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường thu hồi sổ đỏ dinh vua Mèo đã cấp cho Phòng Văn hoá Thông tin huyện Đồng Văn.
“Văn phòng Chính phủ vẫn đang theo dõi vụ việc này. Dinh vua Mèo là di tích rất đặc biệt. Chúng ta phải tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ, chứ không thể đặt vấn đề trưng thu tài sản của di tích này”, ông Dũng nói.
Ngày 21/7, ông Vương Duy Bảo có đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ bức xúc khi biết tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012.
Ngày 16/8, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo về các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự họ Vương. Trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự này.
-
18h35
Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu vị trí ga ngầm đường sắt cạnh Hồ Gươm
Trả lời câu hỏi về tuyến đường sắt đô thị số 2 và nhà ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Đông nói "Hà Nội cần làm rất thận trọng".
Theo ông, các phương án được chọn đều có đánh giá chuyên môn. Việc lựa chọn vị trí ga ngầm đảm bảo các tiêu chí như thu hút hành khách, hiệu quả vận tải, đồng thời có tham vấn chuyên gia và các cơ quan; công khai lấy ý kiến người dân.
Với phần ga ngầm C9 nằm trong khu vực bảo vệ 2 hồ Hoàn Kiếm, ông Đông cho rằng, theo chức năng, Bộ Văn hoá cần có ý kiến về quản lý các di tích và giải quyết việc này trên cơ sở đánh giá tác động môi trường, bảo vệ di tích... “Tôi cho rằng Hà Nội sẽ phải tiếp tục nghiên cứu và báo cáo các cấp có thẩm quyền, đảm bảo công năng của ga C9 và đảm bảo bảo vệ di tích”, Thứ trưởng Đông nói.
Mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng, kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2. Theo Ủy ban, ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu "không chỉ vi phạm Luật di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô".
Bộ Văn hoá cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị vị trí bố trí ga ngầm đường sắt đô thị số 2 xa khu vực hồ Hoàn Kiếm để không ảnh hưởng đến di tích này.
-
18h30
Công an Sơn La làm đúng thẩm quyền trong điều tra tiêu cực thi cử ở Sơn La
Thứ trưởng Công an Bùi Văn Nam cho biết, quá trình điều tra tiêu cực thi cử tại Sơn La, Công an tỉnh khởi tố 6 bị can. Báo cáo cách đây 3 ngày của công an tỉnh cho thấy, quá trình điều tra đang được thực hiện đúng thẩm quyền, nghiêm túc. "Những ai liên quan vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm túc", ông Nam khẳng định.
Sơn La có hơn 10.300 thí sinh thi THPT quốc gia năm 2018, điểm trung bình tất cả môn thi là 4,21, thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên ở môn Toán, Vật lý của tỉnh vượt xa một số địa phương có truyền thống học tốt. Cơ quan điều tra khi vào cuộc đã phát hiện nhiều bài thi trắc nghiệm có dấu hiệu bị tẩy xóa trước khi gửi file dữ liệu bài gốc về Bộ Giáo dục.
-
18h25
"Hết tháng 8 sẽ công khai kết quả rà soát vụ kiểm tra tại Con Cưng"
Trả lời câu hỏi của VnExpress về kết quả rà soát hoạt động kiểm tra của quản lý thị trường tại Công ty cổ phần Con Cưng, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết, việc kiểm tra của quản lý thị trường tại doanh nghiệp này thực hiện theo đúng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao trong chấp hành pháp luật kinh doanh.
"Đây là công việc được thực hiện thường xuyên trên địa bàn cả nước, với tất cả các loại hình doanh nghiệp, hàng hoá; yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo nghiêm minh, đúng quy trình, quy định và không gây phiền nhiễu, làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp", ông Hải nhấn mạnh.
Vì thế, sau khi Bộ có kết luận kiểm tra tại Con Cưng thì cũng quyết định thành lập Tổ đánh giá lại quy trình kiểm tra của quản lý thị trường, đánh giá hành vi của từng cán bộ, rà soát hoạt động của Tổ công tác 334.
"Hết tháng 8 sẽ có kết luận chính thức và Bộ sẽ công khai. Chúng tôi làm chi tiết, cẩn thận và đánh giá cụ thể vi phạm nếu có của thành viên đoàn kiểm tra", Thứ trưởng Hải nói.
Hệ thống siêu thị Con Cưng vấp phải nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hoá từ khiếu nại của một khách hàng tại TP HCM khi mua một bộ quần áo thun có mã sản phẩm CF G127011. Khách hàng này cho rằng sản phẩm đã bị cắt tem nhãn, thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan".
Từ khi bị nghi vấn, phía Con Cưng liên tục bác bỏ và đưa ra bằng chứng khẳng định mình không bán hàng giả, hàng nhái trong các thông cáo phát đi.
Giữa tháng 8 Bộ Công Thương công bố kết luận kiểm tra cho thấy doanh nghiệp không vi phạm hành vi bán hàng giả như nghi vấn trước đó.
-
18h20
Công bố kết luận thanh tra Thủ Thiêm vào nửa đầu tháng 9
Trả lời câu hỏi về kết luận thanh tra dự án Thủ Thiêm (TP HCM), đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, cuộc thanh tra đã kết thúc vào 11/7 trên cơ sở có lấy ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan và TP HCM.
“Đến nay chúng tôi đã có kết luận thanh tra và đang tiến hành các thủ tục liên quan. Nửa đầu tháng 9 chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí đầy đủ kết luận thanh tra đó”, đại diện Thanh tra Chính phủ nói.
Khu đô thị Thủ Thiêm rộng 657 ha, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 (cách 300 m đường chim bay), được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM, có các chức năng về tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...
Hiện dự án đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa.
Tháng 5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ rà soát, làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân Thủ Thiêm về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Thanh tra Chính phủ phải báo cáo kết quả trước ngày 15/7.
-
18h00
Thủ tướng yêu cầu 'xã hội hoá 100% nếu đưa giải công thức F1 về Việt Nam'
Trả lời câu hỏi của VnExpress về việc Hà Nội muốn đưa giải đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) về Việt Nam, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, theo Luật Thể dục thể thao năm 2003 thì thẩm quyền việc này thuộc về Thủ tướng, nhưng Luật sửa đổi bổ sung có hiệu lực 1/1/2019 lại giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành.
"Luật cho phép chúng ta tổ chức các giải thể thao quốc tế, đua xe công thức 1 cũng là nội dung được phép. Sau khi có ý kiến của Hà Nội, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch đánh giá tác động về dân cư tại nơi đua xe", ông Dũng thông tin.
Theo phương án đề xuất ban đầu của Hà Nội, nơi tổ chức giải là khu vực xung quanh tuyến đường đi bộ Hồ Gươm, song sau khi đánh giá lại thì thấy không hợp lý. Hà Nội đã điều chỉnh đề xuất phương án đường đua tại khu thể thao Mỹ Đình bởi đã có sẵn hạ tầng.
"Thủ tướng yêu cầu Hà Nội nếu đưa giải đua này về Việt Nam thì phải trên tinh thần sẽ xã hội hoá toàn bộ, không dùng ngân sách Nhà nước. Doanh nghiệp bỏ tiền và thu phí hoàn trả lại", ông Dũng khẳng định.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ nói thêm, đây là hình thức thể thao mới, được nhiều người quan tâm và các nước đã tổ chức tốt. Khi UBND thành phố Hà Nội khi xin ý kiến người dân tại các khu vực dự kiến tuyến đường qua thì nhận được sự đồng tình cao; Hà Nội nên có những sự kiện như vậy thể thu hút du khách.
"Đây là vấn đề mới và phù hợp với nhu cầu người dân, nếu đảm bảo tốt được an toàn thì sẽ triển khai. Các bộ, ngành đều ủng hộ đề xuất này. Hiện mới ở mức chủ trương ban đầu để Hà Nội tiếp cận với các nhà tổ chức. Thu quảng cáo rất lớn, sẽ là khoản bù đắp chi phí cho việc tổ chức và đưa giải này về Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Chính quyền Hà Nội và các bộ, ngành liên quan chưa công bố, nhưng thông tin đàm phán đưa giải đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) về Việt Nam nhiều lần được lãnh đạo thành phố đề cập. Dự kiến trong tuần lãnh đạo thành phố sẽ có cuộc làm việc với đối tác về việc này.
Trước đó giữa năm 2017, trong buổi làm việc với Đại học Ngoại thương, lãnh đạo Hà Nội lần đầu nhắc đến việc thành phố đang xúc tiến đàm phán tổ chức giải đua xe Công thức 1.
Một năm sau, khi Đại sứ vương quốc Anh Giles Lever đến chào nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, lãnh đạo thành phố mong muốn được hỗ trợ trong quá trình đàm phán với F1 London để có thể tiến tới tổ chức giải đua xe tại Hà Nội vào thời gian sớm nhất...
-
17h50
Tăng trưởng không dựa vào khai thác dầu thô, tín dụng
Theo người phát ngôn Chính phủ, trong chỉ đạo điều hành 8 tháng qua, Thủ tướng luôn nhấn mạnh vấn đề kiểm soát chặt chẽ kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng... "Không lấy tăng sản lượng dầu thô, tín dụng để tăng trưởng kinh tế", ông Dũng nói.
Ông đơn cử, khai thác dầu thô đã giảm dần qua các năm, năm 2015 khai thác 16,6 triệu tấn, năm 2017 là 13 triệu tấn và dự kiến năm 2018 khoảng 11 triệu tấn dầu thô.
Với tăng trưởng tín dụng, năm nay cũng sẽ chỉ tăng 17%, thấp hơn khoảng 1% so với năm 2017. "Không dựa vào tăng trưởng tín dụng, nhưng vẫn phải đảm bảo vốn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định lãi suất vay", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Giá các dịch vụ y tế, giáo dục... cũng được điều hành để cân nhắc thời điểm tăng, không để ảnh hưởng tới vĩ mô. Ông khẳng định một lần nữa quan điểm Chính phủ, "sẽ không điều chỉnh tăng trong năm nay".
-
17h35
Thủ tướng: "Olympic Việt Nam không vô địch nhưng là người chiến thắng"
Tại cuộc họp báo chiều 30/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã dành trọn ngày hôm nay để họp phiên thường kỳ, thảo luận tình hình phát triển kinh tế xã hội và 4 dự án luật: Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Chính quyền địa phương (sửa đổi); Công chức, viên chức và Quản lý thuế (sửa đổi).
Dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Dũng cho hay vào đầu phiên họp, lãnh đạo Chính phủ đã biểu dương tinh thần thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 2018, hiện đứng thứ 14/45 của bảng tổng sắp.
Thủ tướng cũng khen ngợi cầu thủ, huấn luyện viên của tuyển Olympic Việt Nam đã thi đấu kiên cường trong các trận đấu vừa qua; động viên đội tuyển thi đấu tốt trong trận tranh huy chương đồng vào 1/9 tới.
“Vì màu cờ sắc áo, bại không nản, không vô địch nhưng chúng ta là người chiến thắng”, ông Dũng dẫn lại lời chúc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
-
17h30
"12 chỉ tiêu năm 2018 có thể đạt và vượt"
Ngày 30/8, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, tình hình tháng 8 tốt hơn tháng 7. Kinh tế vĩ mô ổn định.
"Qua phân tích, 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. GDP có khả năng đạt trên 6,7%, thu ngân sách vượt dự toán 3-5%, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%", ông nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chính phủ, tình hình tháng 8 và 8 tháng cũng nổi lên một số vấn đề tồn tại, hạn chế như kết cấu hạ tầng bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa lũ, giá một số mặt hàng nông sản trên thế giới đang giảm, tình hình cháy nổ, tai nạn giao thông...
Nhắc đến việc có thông tin bôi xấu sản phẩm cá tra Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan cần có biện pháp xử lý vấn đề này một cách kịp thời hơn, vì đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản.
Tại phiên họp, Chính phủ cũng nghe, thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức...