Tại cuộc họp báo chiều 18/10, Tổng thư ký của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận được câu hỏi của báo chí về việc, vừa qua Bộ Tài chính đã thực hiện khoán xe công, tới đây các cơ quan của Quốc hội có "gương mẫu thực hiện chủ trương này hay không"?
Nhấn mạnh "chúng tôi hoan nghênh việc các bộ ngành khoán xe công", ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay về phía Văn phòng Quốc hội đã sớm thực hiện chủ trương này cách đây 10 năm. Lúc bấy giờ một vị Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có thời gian đi làm hàng ngày bằng xe ôm. Hiện nhiều cán bộ trong các cơ quan của Quốc hội đang nhận khoán xe công.
Theo ông Phúc, thực hiện khoán xe công theo cách của Bộ Tài chính "chưa hiệu quả lắm", vì vấn đề chính là bớt đầu xe, bớt lái xe, còn khoán như Bộ Tài chính đang thực hiện chỉ từ nhà đến cơ quan. "Với mức khoán 15.000 đồng /km, theo tôi tính gần bằng đi mua xăng cho xe công, không khác gì cả. Trong khi đó ở cơ quan vẫn phải bố trí mỗi thứ trưởng một lái xe", ông Phúc nói và cho rằng cần giải quyết bài toán khoán xe công theo hướng chuyển mạnh sang xã hội hoá...
"Hiện Quốc hội đang xây dựng đề án khoán xe công, nghiên cứu làm sao hiệu quả hơn", ông Phúc cho biết.
Trước đó vào cuối tháng 9, Bộ Tài chính ban hành quyết định áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công cho Thứ trưởng Bộ và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, kinh phí hằng tháng để đưa đón các chức danh này từ nơi ở đến nơi làm việc được tính theo số km khoán và đơn giá theo các hãng taxi 4 chỗ phổ biến trên thị trường. Mỗi cá nhân được khoán kinh phí cho hai lượt đi và về trong ngày làm việc.
Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ôtô được điều chỉnh 12 tháng một lần, tính từ khi Bộ phê duyệt đơn giá khoán.
Võ Thành - Võ Hải