Bộ Tài chính, đơn vị quản lý việc sử dụng xe công, đã áp dụng khoán xe công cho các thứ trưởng và cấp tổng cục trưởng từ ngày 1/10. Nhiều lãnh đạo Bộ sẽ sử dụng xe riêng và được trả chi phí khoán.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng, cho biết rất ủng hộ quy định này. "Sang các nước như Đan Mạch, Thụy Điển, tôi thấy Thủ tướng nước họ vẫn đi xe công cộng bình thường, đâu vấn đề gì", ông Tiến nói và cho biết khi khoán xe công không chỉ tiết kiệm ngân sách mà còn "giúp lãnh đạo gần dân hơn".
Thực trạng sử dụng xe công hiện nay theo ông Tiến là rất bất cập, nhiều người đang dùng xe công vào việc tư, như gửi con, đi về quê, thăm bạn bè, du hí, thậm chí ăn nhậu. Quy định xe công đưa đón từ nhà đến nơi làm việc chỉ dành cho lãnh đạo có hệ số phụ cấp trách nhiệm từ 1,25 trở lên. Cấp bộ chỉ có thứ trưởng, địa phương chỉ có chủ tịch, bí thư được xe công đưa đón. Nhưng thực tế phó chủ tịch tỉnh, thành phố (hệ số 1,05) và giám đốc sở ban ngành (hệ số 0,8-0,9) cũng "cưỡi mỗi người một xe công".
Ông Tiến cho rằng Bộ Tài chính làm gương, sau đó nhân rộng ra các bộ, tỉnh thành; phải quy định ai đã hoàn thành nhiệm vụ thì phải trả phòng làm việc, xe công. Như thế sẽ dư ra hàng nghìn xe công và hàng nghìn phòng làm việc. Cá nhân ông dù đến tháng 10 mới nghỉ, nhưng từ ngày 1/8, khi hết nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 13 đã gửi trả cả xe công và phòng làm việc.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Đỗ Mạnh Hùng, nhận định việc Bộ Tài chính khoán xe công là chủ trương đúng và chắc chắn khả thi. Trước Bộ Tài chính, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng nhận mức khoán xe công 10 triệu đồng mỗi tháng, nhưng chỉ được 4-5 người sử dụng.
Ông Hùng giải thích, Văn phòng Quốc hội khoán từ nhà đến nơi làm việc và khoán luôn phần đi công tác nội thành Hà Nội, cơ quan Trung ương, bộ ngành... nên gặp những khó khăn, như qua cửa công sở phải trình với bảo vệ. Mức khoán dù 10 triệu nhưng không đủ chi phí trong bối cảnh đi lại ở đô thị lớn như Hà Nội. Vì thế, đại biểu Quốc hội chuyên trách đã đăng ký sử dụng xe công trở lại.
"Nếu khoán xe công, khi nào lãnh đạo đi xe cá nhân thì có thể có dán phù hiệu để thuận lợi hơn lúc ra vào cơ quan công sở. Việc khoán cũng phải tùy theo điều kiện của cơ quan và từng người, vì có người thích khoán đưa đón từ nhà đến công sở, có người lại thích khoán toàn bộ", ông Hùng nói.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng mỗi cơ quan phải có những giải pháp cụ thể để đảm bảo xe được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, tránh lạm dụng xe vào mục đích riêng. Việc các phó chủ tịch, giám đốc sở đi xe công phải phân biệt rõ xe công thực hiện mục đích công vụ hay hàng ngày.
Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, ông Đặng Công Ngữ, cho biết việc đưa hết chi phí của công chức vào lương, trong đó có xăng xe, là ý định có từ lâu, và nhiều nước trên thế giới áp dụng. Khoán xe đưa đón lãnh đạo là phù hợp, hướng đến nền hành chính hiện đại, giúp lãnh đạo chủ động trong đi lại, giảm bớt được phương tiện lưu thông, tiết kiệm được tiền ngân sách.
"Ở Việt Nam tâm lý của lãnh đạo đa số không thích đi xe ngoài, vì đi biển số xanh người dân nhìn sẽ nể hơn", ông Ngữ nói và cho biết nếu áp dụng đồng bộ phải tính cho được mức khoán, bởi có khi phụ cấp còn cao hơn cả mức lương. Do đó, phải có mức khoán tối thiểu và tối đa để người được khoán cân đối trong việc thuê xe, thuận lợi cho việc quản lý, giám sát.
Nguyễn Đông