"Cái giá mà chúng ta phải trả với tư cách là Liên minh châu Âu (EU), cũng như NATO có thể đo bằng tiền. Cái giá mà Ukraine phải trả là mạng sống mất đi mỗi ngày. Chúng ta nên thôi phàn nàn, đồng thời đẩy mạnh cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, chấm hết", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong cuộc họp với thành viên Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 18/7.
Ông Stoltenberg cho rằng các nước thành viên EU nên hướng tới cung cấp hỗ trợ bền vững cho Ukraine trong thời gian dài. Tổng thư ký nhận định ngừng hỗ trợ Ukraine sẽ gây ra mối nguy hiểm đối với EU và NATO.
"Nếu các bạn không quan tâm đến khía cạnh đạo đức hay việc ủng hộ người dân Ukraine, các bạn nên quan tâm đến lợi ích an ninh của chính mình", Tổng thư ký NATO nói. "Hãy hỗ trợ và viện trợ nhân đạo, cũng như chịu đựng hệ quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế, vì phương án còn lại sẽ dẫn đến cái giá phải trả đắt hơn nhiều".
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine", EU áp loạt lệnh trừng phạt đáp trả. Gói trừng phạt thứ 7 của EU nhằm vào Nga dự kiến được công bố tuần này, song không cấm nhập khẩu khí đốt và không trừng phạt bổ sung với dầu Nga.
Chiến sự tại Ukraine phủ bóng lên các nền kinh tế EU, khiến lạm phát tại khu vực tăng kỷ lục và đồng euro lần đầu ngang giá với USD sau hai thập kỷ.
Giới chuyên gia nhận định gói trừng phạt thứ 7 sẽ gây ra một số tác động với Nga, song phạm vi hẹp của nó phản ánh nỗi lo ngày càng lớn của EU về cách đối phó với Nga mà không gây căng thẳng lớn hơn cho chính nền kinh tế của khối. Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục thu về hàng tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng.
Giới chức EU nhấn mạnh vẫn đoàn kết trong lập trường về Ukraine, tuy nhiên, lãnh đạo các nước thành viên trong khối dường như ít có xu hướng hành động tập thể và ngày càng tập trung vào các vấn đề trong nước. Điều này làm dấy lên nhiều hoài nghi về tương lai nỗ lực hỗ trợ Ukraine của châu Âu.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)