"Sẽ có thương vong và thiệt hại liên quan thiết bị hiện đại của NATO", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 14/6 cho biết. "Không ai nghĩ rằng sẽ không có thương vong. Trên thực tế đây là một đợt giao tranh dữ dội và ác liệt".
Theo ông Stoltenberg, đợt phản công của Ukraine "đang đạt được tiến bộ", song nhận định "vẫn còn quá sớm và chúng tôi không biết đây có phải bước ngoặt trong xung đột hay không".
"Điều rõ ràng nhất là đảm bảo họ có đủ vũ khí, nguồn cung và bảo dưỡng để tiếp tục đợt phản công", Tổng thư ký Stoltenberg kêu gọi.
Sau khi mở loạt đợt tiến công vào phòng tuyến Nga từ tuần trước, Ukraine mất nhiều binh sĩ và vũ khí, trong đó có xe tăng chủ lực Leopard 2 và thiết giáp M2 Bradley. Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/6 cho biết khoảng 7.500 binh sĩ Ukraine thiệt mạng hoặc bị thương trên tiền tuyến sau hơn một tuần. Kiev chưa lên tiếng về thông tin này.
Mỹ và các thành viên NATO viện trợ lượng vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine sau khi chiến sự với Nga bùng phát cuối tháng 2/2022. Nỗ lực này làm cạn kho dự trữ các quốc gia phương Tây, khiến họ gấp rút tìm cách bổ sung vũ khí và đạn dược.
Tổng thư ký Stoltenberg bày tỏ hy vọng bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO trong cuộc họp ngày 17/6 sẽ đồng ý tăng đáng kể lượng đạn dự trữ trong kho. Ông Stoltenberg cho biết các nước thành viên NATO từ đầu năm đã đặt mua một tỷ USD đạn pháo 155 mm.
NATO đang tìm cách thông qua kế hoạch nhằm tăng sản lượng của ngành công nghiệp quốc phòng tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 ở Litva. Liên minh châu Âu (EU), với 22 thành viên thuộc NATO, cũng đưa ra kế hoạch cung cấp một triệu quả đạn pháo cho Ukraine và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng.
Tuy nhiên, nhiều quan chức phương Tây cảnh báo NATO và EU đưa ra nỗ lực trùng lặp nhau, nguy cơ gây thêm áp lực cho các tập đoàn công nghiệp quốc phòng vốn đã chịu nhiều căng thẳng trong đảm bảo nguồn cung.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)