Trong buổi gặp Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng bên lề ITU Digital World 2021 ngày 13/10, ông Zhao đánh giá cao các thành tựu Việt Nam đã đạt được cũng như cách các công ty viễn thông trong nước đang đầu tư.
Ông dẫn thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cho thấy, các chỉ số về tiếp cận mạng của người Việt ngày càng tăng cao. Trước đây, chỉ số của Việt Nam thấp hơn Philippines nhưng hiện đã vượt. Về đầu tư viễn thông ra nước ngoài, người đứng đầu ITU nhắc đến Viettel là "người đến sau" ở Myanmar, nhưng đang thành công nhất.
"Thành tựu của Việt Nam không chỉ để so sánh trong các nước ASEAN, mà còn có thể so sánh với các quốc gia khác trong khu vực châu Á", ông nói.
"Ngay cả khi so với các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam vẫn là quốc gia hiện có khách hàng viễn thông ở hơn 10 thị trường nước ngoài", ông Zhao cho hay. Quốc gia châu Á duy nhất có thể so sánh với Việt Nam là Ấn Độ. Theo ông, ngành viễn thông Ấn Độ cũng đang có hơn 10 thị trường ở nước ngoài, phần lớn là châu Phi, nhưng chủ yếu xuất phát từ các mối quan hệ về lịch sử, văn hóa trước đó.
Ngoài ra, Việt Nam không đi theo "lối mòn" là phát triển dựa trên việc mua dịch vụ và công nghệ từ các công ty lớn như Ericson, Huawei, Samsung. Thay vào đó, các công ty trong nước đã bắt đầu tự sản xuất thiết bị của riêng mình.
"Việt Nam đã vươn ra các thị trường nước ngoài, sử dụng hệ thống thiết bị, công nghệ Made in Vietnam. Đây là điều tôi muốn các thành viên ITU học hỏi, bởi các bạn đã có một câu chuyện hay về đầu tư, không chỉ thành công mà còn là thành công bền vững", Tổng thư ký ITU nói.
Tại buổi gặp, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ các nhận định về tình hình viễn thông, công nghệ trên thế giới, đồng thời đưa ra các đề xuất với Liên minh Viễn thông quốc tế.
Theo Bộ trưởng, ITU hiện hội tụ cả viễn thông với công nghệ thông tin và công nghệ số. Điều này thể hiện ở việc Triển lãm Viễn thông thế giới (ITU Telecom World) được đổi tên thành Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) theo sáng kiến của Việt Nam. Các Bộ trưởng thành viên cũng trao đổi liên tục các chủ đề về thế giới số, công nghệ số và chuyển đổi số.
"Tôi cho rằng với sự hội tụ của viễn thông với công nghệ thông tin với công nghệ số, đây thực sự là một cuộc cách mạng. Khi đã tạo nên một cuộc cách mạng, không chỉ là vấn đề công nghệ nữa, mà là vấn đề chính sách và thể chế", Bộ trưởng nói, đồng thời cho rằng ITU cần có sự tham gia, định hướng mạnh mẽ hơn nữa những vấn đề ngoài công nghệ.
Các vấn đề như chủ quyền quốc gia trên không gian số, trách nhiệm xã hội của những công ty công nghệ lớn, việc tuân thủ luật pháp và văn hóa địa phương của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới,... là điều mà ITU cần tham gia, theo Bộ trưởng.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất ITU tổ chức chương trình để mỗi nước thành viên trong liên minh thực hiện một sáng kiến bằng nguồn lực của chính mình. Nếu sáng kiến đó thành công sẽ phổ biến ra toàn cầu.
"Như vậy, ITU sẽ huy động được thêm nguồn lực của 193 quốc gia. Nếu các thành viên mỗi năm có một sáng kiến thành công, ITU sẽ có 193 sáng kiến vĩ đại. Tôi nghĩ đấy là một sự thay đổi rất lớn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Lấy ví dụ, ông Hùng cho biết sáng kiến của Việt Nam là phủ nhanh 5G bằng cách mỗi nhà mạng đầu tư 25% đất nước sau đó roaming với nhau trong giai đoạn đầu tiên. Với bốn nhà mạng, Việt Nam có thể phủ sóng 5G trong vòng một năm và đầu tư của mỗi nhà mạng cũng sẽ được giảm đi. Việt Nam sẽ thực hiện sáng kiến này vào năm 2022 và nếu thành công sẽ chia sẻ với ITU vào sự kiện năm sau.
Tổng thư ký ITU đánh giá đề xuất mỗi quốc gia thực hiện một sáng kiến là "ý tưởng tuyệt vời". Riêng sáng kiến trong triển khai 5G, ông Zhao cho rằng có thể sẽ gặp khó khăn bởi khi cần thực hiện một ý tưởng nào đó, sẽ cần làm việc với cả bốn nhà mạng, trong khi không phải lúc nào họ cũng có ý tưởng kinh doanh giống nhau. "Khi có quyết tâm của Chính phủ, tôi tin Việt Nam sẽ thực hiện được", ông Zhao nói.
Lưu Quý