"Tôi đã trao đổi với Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Tôi đánh giá cao lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 của ông ấy", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy ngày 28/4 thông báo trên Twitter.
Tổng thống Zelensky không xác nhận liệu ông có nhận lời mời tham dự hội nghị G20 hay không. Phủ tổng thống và văn phòng ngoại trưởng Indonesia cũng chưa bình luận về thông tin.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu tại Kiev ngày 25/2. Ảnh: Reuters.
Indonesia đang là nước giữ ghế chủ tịch luân phiên G20. Ukraine không phải là thành viên nhóm này, song các quốc gia chủ tịch G20 vẫn thường đề nghị một số nước dự các hội nghị trước đây với tư cách khách mời.
Rizal Sukma, cựu quan chức ngoại giao Indonesia và hiện là chuyên gia phân tích chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết lời mời từ Indonesia "phản ánh ý định của nước này trong nỗ lực đảm bảo sự tham gia của tất cả thành viên G20 tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở đảo Bali, đồng thời tạo cơ hội đàm phán hòa bình cho Nga và Ukraine".
G20 đã lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, cho rằng hoạt động này khiến căng thẳng địa chính trị leo thang, gây ra những làn sóng ảnh hưởng kinh tế toàn cầu cũng như châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Đại sứ Nga tại Indonesia Lyudmila Vorobieva ngày 23/3 cho biết Tổng thống Vladimir Putin có kế hoạch tham gia sự kiện này. Một số thành viên G20 đã kêu gọi loại Nga khỏi hội nghị thượng đỉnh, song Indonesia cho rằng còn quá sớm để đưa ra quyết định.
Bà Vorobieva khẳng định hội nghị G20 là diễn đàn thảo luận về các vấn đề kinh tế, không phải những cuộc khủng hoảng như ở Ukraine.
"Tất nhiên việc gạt Nga khỏi diễn đàn này sẽ không giúp giải quyết những vấn đề kinh tế. Nếu không có Nga, sẽ rất khó giải quyết những vấn đề đó", đại sứ Vorobieva nhấn mạnh. "Chúng tôi thực sự hy vọng rằng chính phủ Indonesia sẽ không nhượng bộ trước áp lực khủng khiếp mà phương Tây đang đặt ra không chỉ đối với Indonesia mà còn rất nhiều quốc gia khác", bà nói.
G20 cùng với G7, bao gồm Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Canada, Nhật Bản và Anh, là nền tảng quốc tế quan trọng để điều phối các hoạt động từ ứng phó biến đổi khí hậu đến xử lý các khoản nợ ở nước ngoài.
G7 được thành lập vào thập niên 1970 gồm 7 quốc gia có nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới. Sau khi kết nạp Nga, nhóm này trở thành G8. Tuy nhiên, Nga đã bị loại khỏi nhóm vào năm 2014, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea.
Đức Trung (Theo SCMP/Hill)