Bà Lyudmila Vorobieva, đại sứ Nga tại Indonesia, nước hiện là chủ tịch luân phiên G20, hôm nay cho biết Tổng thống Vladimir Putin dự định đến đảo Bali để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11.
"Việc này phụ thuộc rất nhiều thứ, bao gồm cả tình hình dịch bệnh Covid-19, vốn đang diễn biến tốt hơn. Cho đến nay, dự định của Tổng thống là ông muốn tham dự hội nghị", bà Vorobieva phát biểu trong cuộc họp báo ở Jakarta.
Khi được hỏi về thông tin Mỹ và các đồng minh phương Tây đang thảo luận khả năng loại Nga khỏi G20, đại sứ Nga nói G20 là diễn đàn để thảo luận về các vấn đề kinh tế, không phải những cuộc khủng hoảng như ở Ukraine.
"Tất nhiên việc gạt Nga khỏi diễn đàn này sẽ không giúp giải quyết những vấn đề kinh tế. Nếu không có Nga, sẽ rất khó giải quyết những vấn đề đó", bà cho hay.
"Rõ ràng là Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực lên các quốc gia G20 nhưng như chúng ta thấy, một số quốc gia muốn giữ vững quan điểm độc lập, có chủ quyền của họ", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bình luận.
Bộ Ngoại giao Indonesia từ chối bình luận về ý tưởng loại Nga khỏi G20. Bà Vorobieva kêu gọi Indonesia không bị lung lay trước sức ép từ các nước phương Tây.
"Chúng tôi thực sự hy vọng rằng chính phủ Indonesia sẽ không nhượng bộ trước áp lực khủng khiếp mà phương Tây đang đặt ra không chỉ đối với Indonesia mà còn rất nhiều quốc gia khác trên thế giới", đại sứ Nga nhấn mạnh.
Ba Lan hôm 22/3 cho biết đã đề nghị với quan chức thương mại Mỹ để nước này thay thế Nga trong nhóm G20 và gợi ý đó đã nhận được "phản ứng tích cực". Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các thành viên G20 sẽ phải đưa ra quyết định, nhưng đây không phải là vấn đề ưu tiên.
Một nguồn tin của Liên minh châu Âu (EU) xác nhận Mỹ và các đồng minh phương Tây đang thảo luận khả năng loại Nga khỏi G20. Tuy nhiên, nguồn tin cũng nhấn mạnh nỗ lực loại Nga khỏi G20 sẽ bị nhiều nền kinh tế trong nhóm phủ quyết, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Arab Saudi và những nước khác, làm dấy lên lo ngại một số thành viên sẽ không cử đại diện tham dự hội nghị G20 năm nay.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Joe Biden có quyết định loại Nga khỏi G20 khi gặp các đồng minh tại Brussels, Bỉ tuần này hay không, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng "Nga không thể hoạt động như bình thường trong các tổ chức quốc tế và cộng đồng quốc tế". Tuy nhiên, Mỹ có kế hoạch tham khảo ý kiến đồng minh trước khi đưa ra quyết định.
Phó thống đốc ngân hàng trung ương Indonesia, Dody Budi Waluyo, hôm 21/3 cho biết quan điểm của Indonesia là trung lập và nước này sẽ sử dụng vai trò chủ tịch G20 để cố gắng giải quyết các bất đồng. Tuy nhiên, Nga có "cam kết mạnh mẽ" tham dự hội nghị và các thành viên khác không thể cấm họ làm điều đó, ông cho hay.
Trả lời trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này ủng hộ Tổng thống Nga dự hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngăn Moskva tiếp cận các công nghệ tiên tiến và đưa nhiều tài phiệt, quan chức Nga vào danh sách cấm vận.
Mỹ đã áp lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga và Tổng thống Mỹ được cho là sẽ tuyên bố áp lệnh trừng phạt 300 nghị sĩ Hạ viện Nga trong chuyến thăm Brussels.
Huyền Lê (Theo Reuters)