Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky từng bị chế giễu là một "gã hề" trở thành chính trị gia vì ông từng là diễn viên hài. Nhưng nhờ tận dụng mạng xã hội, Zelensky đã xây dựng được hình ảnh người dẫn dắt của mình khi kêu gọi dân chúng cũng như các lãnh đạo phương Tây sát cánh cùng Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Tổng thống Zelensky, với quân lực yếu hơn, đã chuyển sang cố gắng giành chiến thắng trên mặt trận trực tuyến. Ukraine đã ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của họ cắt quyền tiếp cận mạng qua điện thoại từ Nga và Belarus, khiến đối phương không thể truy cập Internet, đăng video hay gửi tin nhắn.
Trong lúc đó, các quan chức Ukraine đã lên mạng xã hội Facebook kêu gọi người dân địa phương gỡ bỏ các biển báo trên đường và khiến quân đội Nga mất phương hướng.
Kể từ hôm 25/2, cơ quan an ninh mạng Ukraine đã tạo và kích hoạt nhiều bot tự động trên ứng dụng trò chuyện và truyền thông xã hội Telegram để người dân báo cáo các hướng di chuyển của quân đội Nga.
Khi truyền thông Nga đưa tin ông kêu gọi lực lượng của mình hạ vũ khí, Zelensky đã đáp lại bằng một đoạn video vào sáng 26/2 cho thấy ông đứng trên đường phố gần văn phòng tổng thống ở thủ đô Kiev, khẳng định những thông tin như vậy là giả mạo, đồng thời kêu gọi người dân Ukraine tiếp tục đấu tranh. Đoạn video đã thu hút 3,2 triệu lượt xem trên Facebook và một bài đăng tương tự trên Telegram có 3,8 triệu lượt xem.
Ông cùng các quan chức của mình đã tận dụng triệt để các phương tiện truyền thông xã hội, với hàng loạt video cho thấy ông hiện diện trên các đường phố của Kiev được lan truyền mạnh mẽ. Những người dân Ukraine bình thường liên tục đưa tin về các sự kiện ở đất nước mình trên TikTok, một số người thậm chí còn làm những video ca ngợi Tổng thống Zelensky và cho thấy rằng dân chúng Ukraine đang làm mọi việc có thể để đẩy lùi bước tiến của quân đội Nga, theo bình luận viên Steven Erlanger từ NY Times.
"Câu trả lời của Tổng thống Zelensky trước lời đề nghị hỗ trợ sơ tán của Mỹ rằng 'Tôi cần đạn dược, không phải một chuyến xe sơ tán' rất có thể sẽ đi vào lịch sử Ukraine", Erlanger nhận xét.
Giới chức Ukraine cũng sử dụng mạng xã hội để kêu gọi người nước ngoài cùng góp sức và huy động tin tặc địa phương tham gia cuộc chiến. Những người ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới đã quyên góp hàng triệu USD tiền điện tử cho quân đội Ukraine thông qua các địa chỉ mà chính quyền đăng trên Twitter.
Phó thủ tướng Ukraine phụ trách chuyển đổi kỹ thuật số Mykhailo Fedorov cuối tuần trước đăng dòng tweet kêu gọi người sáng lập SpaceX, tỷ phú Elon Musk cung cấp Internet cho nước này thông qua thiết bị vệ tinh Starlink.
Twitter phối hợp với người sáng lập SpaceX Elon Musk để cung cấp thiết bị đầu cuối kết nối internet cho quốc gia bằng vệ tinh Starlink của công ty. Ông Fedorov nói rằng trong khi Nga tấn công Ukraine, "các bạn cố gắng chiếm đóng sao Hỏa".
Vài giờ sau, tỷ phú gốc Nam Phi trả lời rằng dịch vụ Internet vệ tinh đã hoạt động ở Ukraine.
"Cảm ơn, chúng tôi rất biết ơn", tài khoản Twitter chính của chính phủ Ukraine trả lời.
Sau khi Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự vào ngày 24/2, Tổng thống Zelensky lập tức đăng video, mặc áo vest và đeo cà vạt, kêu gọi hòa bình. Đến buổi chiều, ông tiếp tục xuất hiện trên mạng xã hội, đứng trên bục và mặc chiếc áo màu xanh quân đội trong đoạn video được xem tới 2,3 triệu lượt trên Telegram và 350.000 lượt trên Facebook.
Kể từ đó, Tổng thống Zelensky hoạt động rất tích cực, đăng hơn 10 video trong trang phục quân đội, trong đó có hai video trên đường phố Kiev và đăng lại với phụ đề tiếng Anh để tiếp cận khán giả nước ngoài, cũng như hơn 80 bài đăng lên Twitter, nơi ông hiện có 3,5 triệu người theo dõi, tăng từ nửa triệu trước chiến dịch của Nga.
Nỗ lực trên mạng xã hội của Tổng thống Zelensky được đánh giá còn giúp các lãnh đạo châu Âu hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine. Xuất hiện trên màn hình trong cuộc họp thượng đỉnh khẩn của các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 24/2, ông có bài phát biểu dài 10 phút, khiến một số lãnh đạo tán thành phương án áp đặt trừng phạt khắc nghiệt hơn lên Nga, theo một quan chức cấp cao châu Âu tham dự cuộc họp.
"Các lãnh đạo đã bị tác động sâu sắc", quan chức trên nói. Đức, Italy hay Hungary sau đó đồng ý với các biện pháp trừng phạt tài chính và ngân hàng cứng rắn hơn lên Nga cũng như hỗ trợ vũ khí phòng thủ cho Ukraine.
Vũ Hoàng (Theo NY Times, WSJ)