"Tôi không biết Tổng thống Nga muốn gì. Vì lý do này, tôi đề nghị chúng ta gặp nhau", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại hội nghị an ninh ở Munich, Đức hôm nay.
Zelensky cũng nói rằng Ukraine muốn có khung thời gian "rõ ràng" về thời điểm nước này có thể gia nhập liên minh quân sự NATO. "Chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi có thể tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Ukraine và lực lượng phòng thủ của Ukraine. Giờ là lúc cần có khung thời gian rõ ràng, khả thi để Ukraine trở thành thành viên của liên minh", ông cho hay.
Cũng trong sự kiện này, Zelensky cảnh báo Ukraine có thể chấm dứt cam kết không sở hữu vũ khí hạt nhân suốt hàng chục năm qua. Tổng thống Ukraine nhắc tới Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó Kiev từ bỏ kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy các cam kết về an ninh.
"Giờ đây chúng tôi không có vũ khí hạt nhân lẫn an ninh. Chúng tôi mất phần lãnh thổ có diện tích rộng hơn cả Thụy Sĩ, Hà Lan và Bỉ", Zelensky nói, thêm rằng Ukraine đã ba lần kêu gọi tham vấn với các nước bảo trợ Biên bản ghi nhớ Budapest để đánh giá lại điều khoản thỏa thuận, nhưng không có kết quả.
Hội nghị An ninh Munich ra đời năm 1963, ban đầu được xem là diễn đàn đối thoại an ninh quan trọng nhất đối với mối quan hệ châu Âu - Mỹ, sau đó mở rộng ra nhiều chủ đề an ninh lớn trên toàn cầu. Hội nghị thường quy tụ các chuyên gia quan hệ quốc tế, các tổ chức nghiên cứu chiến lược và chính trị gia.
Tổng thống Ukraine vẫn quyết định tới dự hội nghị ở Munich, dù Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó cảnh báo Nga có thể sắp tấn công "trong vài ngày tới". Tuy nhiên, văn phòng của Zelensky khẳng định tình hình ở miền đông Ukraine "vẫn được kiểm soát hoàn toàn".
Ông cho rằng điều quan trọng là không thể hiện "nỗi hoảng sợ" trong tình hình hiện nay. "Chỉ nằm vào quan tài và chờ lính Nga đến không phải là điều chúng tôi nên làm lúc này", Zelensky nói trong phiên hỏi đáp sau bài phát biểu.
Tổng thống Ukraine còn nêu khả năng từ bỏ cam kết đã thực hiện gần 30 năm. Năm 1994, Ukraine tham gia Bản ghi nhớ Budapest, từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy đảm bảo an ninh. Zelensky nói rằng Ukraine có thể đảo ngược động thái này nếu bị Nga đe dọa.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng dự Hội nghị An ninh Munich. Năm nay Nga không cử phái đoàn tham dự vì cho rằng "hội nghị ngày càng bị biến thành diễn đàn xuyên Đại Tây Dương, mất đi tính bao trùm, khách quan" và sự quan tâm của Moskva đối với sự kiện đã giảm đáng kể.
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh giao tranh ở vùng Donbass, phía đông Ukraine, leo thang đột ngột hai ngày qua. Quân chính phủ và lực lượng ly khai liên tục cáo buộc đối phương vi phạm lệnh ngừng bắn, pháo kích gây nguy hiểm cho dân thường.
Giao tranh tại khu vực gia tăng sau khi Ukraine nhận nhiều vũ khí từ Mỹ và các thành viên NATO. Số vũ khí này được chuyển tới trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân gần biên giới và lên kế hoạch tiến đánh Ukraine.
Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Trước đợt điều quân của Nga, Mỹ điều chiến hạm và oanh tạc cơ B-1B tham gia "diễn tập ngoài kế hoạch" của NATO tại Biển Đen, với hai thành viên của liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Romania cùng Ukraine.
Nga ngày 16/2 nêu ra 5 bước giải quyết xung đột ở Donbass, trong đó có buộc Ukraine tuân thủ thỏa thuận Minsk và dừng cung cấp vũ khí cho quốc gia Đông Âu này. Nga còn kêu gọi phương Tây rút cố vấn quân sự và dừng mọi cuộc diễn tập giữa Ukraine với NATO, sau đó thu hồi toàn bộ khí tài nước ngoài được chuyển tới đây.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Huyền Lê (Theo AFP)