"Việc hỗ trợ chính trị, tài chính và vũ khí của Thụy Điển cho các tổ chức khủng bố phải chấm dứt", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan hôm nay nói trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson.
Ankara đã cáo buộc Stockholm và Helsinki nương tay với những thành viên tổ chức đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) coi là khủng bố. Hai nước Bắc Âu còn bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là nơi ẩn náu của người ủng hộ Fethullah Gulen, giáo sĩ bị Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính năm 2016.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hy vọng Thụy Điển sẽ thực hiện "các bước đi cụ thể và nghiêm túc" cho thấy họ chia sẻ mối quan ngại của Ankara. Ông Erdogan cũng đề nghị Thụy Điển dỡ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được áp đặt sau khi nước này can thiệp quân sự vào Syria năm 2019.
Thủ tướng Andersson đánh giá cao cuộc điện đàm. Bà nhấn mạnh Stockholm mong muốn cải thiện quan hệ song phương với Ankara, trong đó có các phương diện an ninh, hòa bình và chống khủng bố.
Trong cuộc gọi cùng ngày với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, ông Erdogan nhận định các "tổ chức khủng bố người Kurd" là mối đe dọa với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Phần Lan không thể giải quyết quan ngại an ninh của Ankara, điều đó sẽ đi ngược lại tinh thần mối quan hệ đồng minh.
Tổng thống Niinisto nhận định cuộc hội thoại cùng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra "cởi mở và thẳng thắn". Hai lãnh đạo nhất trí duy trì liên lạc sát sao.
Phần Lan và Thụy Điển ngày 18/5 nộp đơn xin gia nhập lên Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, kết thúc chính sách trung lập mà hai nước đã duy trì trong thời gian dài. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã chặn nỗ lực đàm phán của các nước NATO về quyết định của hai nước Bắc Âu.
Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ làm dấy lên nghi ngờ liệu NATO có thể thông qua giai đoạn đầu tiến trình xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan trong 1 - 2 tuần, như Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã nêu hay không. Điều này cũng tạo tiền đề cho căng thẳng ngoại giao giữa các nước thành viên liên minh.
Thanh Danh (Theo Reuters)