"Để đảm bảo quá trình chuyển đổi hòa bình, Tổng thống cho biết ông sẽ từ chức vào ngày 13/7", Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Abeywardana ngày 9/7 cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình. "Tôi yêu cầu công chúng tôn trọng luật pháp và giữ gìn trật tự an ninh".
Abeywardena cho biết quốc hội sẽ nhóm họp trong vòng 7 ngày để chọn quyền tổng thống. "Quốc hội sau đó có thể chỉ định thủ tướng mới và thiết lập chính phủ lâm thời".
"Sau một thời gian nhất định, một cuộc bầu cử có thể được tổ chức để người dân bầu ra quốc hội mới", ông nói thêm.
Người dân tại một số nơi ở thủ đô Colombo đã đốt pháo hoa ăn mừng sau khi nghe tin Tổng thống Rajapaksa có kế hoạch từ chức.
Thông báo được đưa ra sau khi người biểu tình xông vào phủ tổng thống và phóng hỏa nhà riêng của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tại thủ đô Colombo. Cả hai lãnh đạo đều đã được sơ tán. Một nguồn tin quốc phòng cho biết Tổng thống Rajapaksa lên tàu hải quân tại cảng Colombo và di chuyển đến vùng biển phía nam của quốc đảo.
Thủ tướng Wickremesinghe đã thông báo với các lãnh đạo đảng cầm quyền rằng ông chấp nhận từ chức "để mở đường thành lập chính phủ mới với sự tham gia của tất cả các đảng".
Sri Lanka đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập vào năm 1948. Đất nước thiếu ngoại hối trầm trọng, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc bị hạn chế. Lạm phát tăng vọt lên mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6 và dự kiến lên 70% trong những tháng tới. Nhiều người đổ lỗi cho Rajapaksa quản lý kinh tế yếu kém và người dân đã biểu tình ôn hòa trong nhiều tháng để yêu cầu ông từ chức trước khi leo thang thành bạo loạn hôm 9/7.
Do không thể trả khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỷ USD, chính phủ Sri Lanka hồi tháng 4 tuyên bố vỡ nợ và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đảm bảo một gói cứu trợ. Colombo phải trả nợ trung bình 5 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2026.
Phương Vũ (Theo Reuters)