Chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 19/5 mất tích sau khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi tại khu vực đồi núi hiểm trở ở miền bắc nước này. Sau hơn 16 giờ tìm kiếm, lực lượng cứu nạn đã phát hiện xác trực thăng cháy rụi trên một sườn núi và không tìm thấy dấu hiệu sự sống trên khoang.
Hàng nghìn người dân Iran và lãnh đạo nước này đêm qua đã liên tục cầu nguyện cho Tổng thống Raisi, song truyền thông Iran cho hay Tổng thống cùng toàn bộ hành khách trên trực thăng đã thiệt mạng.
Ông Raisi, 63 tuổi, được coi là học trò và người bạn đáng tin cậy của Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei, 85 tuổi. Trước khi được bầu làm Tổng thống Iran năm 2021, ông Raisi là người lãnh đạo cơ quan tư pháp Iran và nổi tiếng với quan điểm bảo thủ cứng rắn.
Ông sinh ngày 14/12/1960 ở thành phố Mashhad, đông bắc Iran, với tên khai sinh là Sayyid Ebrahim Raisol-Sadati. Cha ông qua đời khi ông mới 5 tuổi. Ông từng tuyên bố nhận bằng tiến sĩ luật tại Đại học Motahari, song thông tin này gây nhiều tranh cãi.
Năm 20 tuổi, ông được bổ nhiệm làm công tố viên thành phố Karaj. Trong những năm tiếp theo, ông nỗ lực vươn lên trong hệ thống tư pháp Iran, bảo vệ nhà nước Hồi giáo non trẻ trước những phe đối lập sau Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.
Ông từng giữ chức tổng công tố Tehran năm 1989-1994, người đứng đầu Văn phòng Tổng thanh tra năm 1994-2004, thứ trưởng Bộ Tư pháp Iran năm 2004-2014, sau đó là tổng công tố quốc gia Iran năm 2014-2016. Năm 2016, ông được giao phụ trách một quỹ từ thiện để quản lý ngôi đền Imam Reza nổi tiếng ở Mashhad và quản lý danh mục tài sản lớn.
Ông năm 2019 được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp Iran, một trong những vị trí quyền lực nhất của chính phủ. Với cương vị này, ông xây dựng hình ảnh lãnh đạo chống tham nhũng năng nổ, đồng thời thúc đẩy thanh lọc những người chống đối chính phủ.
Tổ chức Ân xá Quốc tế từng cáo buộc ông Raisi là thành viên một ủy ban đặc biệt được thành lập theo lệnh của Lãnh tụ Tối cao Khamenei để xét xử và hành quyết hàng nghìn người trong các nhà tù ở Tehran năm 1988, thời điểm cuộc chiến giữa Iran và Iraq dần kết thúc.
Khi được hỏi về cáo buộc đó, ông Raisi trả lời rằng "nếu một thẩm phán, một công tố viên bảo vệ an ninh của người dân, ông ấy nên được khen ngợi. Tôi tự hào vì đã bảo vệ nhân quyền ở mọi vị trí mà tôi đảm nhận cho đến nay". Những cáo buộc từ nhóm nhân quyền càng khiến ông trở thành người được nhiều cử tri bảo thủ ở Iran ủng hộ.
Vai trò này cũng khiến Raisi nhận được sự tín nhiệm cao của Lãnh tụ Tối cao Khamenei và giúp ông trở thành người kế nhiệm hàng đầu.
Ông từng lên tiếng chỉ trích gay gắt những người theo phe của tổng thống theo đường lối ôn hòa Hassan Rouhani, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018 rút Washington khỏi hiệp ước hạt nhân và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Bộ Tài chính Mỹ năm 2019 áp lệnh trừng phạt đối với ông Raisi vì là người của Lãnh tụ Tối cao Iran, tham gia "cuộc đàn áp" cuộc biểu tình Phong trào Xanh năm 2009 và "ủy ban đặc biệt" năm 1988.
Sau cuộc bầu cử năm 2021, ông đánh bại Rouhani, người có thành tựu nổi bật là thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc, giúp Iran thoát khỏi các lệnh trừng phạt từ phương Tây vì chương trình hạt nhân của mình. Chiến thắng của Raisi đưa Iran trở lại quỹ đạo cứng rắn, tạo điều kiện củng cố đáng kể quyền lực của một chính trị gia "siêu bảo thủ".
Tổng thống Iran là người đứng đầu bộ máy hành chính, được người dân bầu ra bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp. Tuy nhiên, Tổng thống Iran không có toàn quyền đối với chính sách đối ngoại, lực lượng vũ trang, hay chính sách hạt nhân, vốn do Lãnh tụ Tối cao định đoạt. Dù vậy, Raisi có bệ phóng quan trọng khi nhận được nhiều ủng hộ từ các giáo sĩ bảo thủ của Iran.
Luôn xuất hiện trong trang phục chỉn chu với chiếc khăn đội đầu màu đen và áo choàng truyền thống của người Hồi giáo, ông Raisi thường có những bình luận đầy thách thức khi Iran, cường quốc Hồi giáo dòng Shiite lớn nhất, rơi vào tình trạng căng thẳng với những đối thủ không đội trời chung là Mỹ, Israel.
Tuy nhiên, ông phải kế thừa một đất nước đối mặt nhiều khủng hoảng, gồm đại dịch Covid-19, các cuộc biểu tình chống chính phủ, nền kinh tế hứng chịu loạt lệnh trừng phạt, căng thẳng gia tăng với Israel, cũng như bế tắc trong các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới.
Cái chết của Mahsa Amini, phụ nữ 22 tuổi bị cảnh sát đạo đức bắt với cáo buộc vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục đối với phụ nữ Hồi giáo, đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình của hàng nghìn người dân Iran năm 2022. Đây được xem là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với giới giáo sĩ Iran kể từ sau cuộc cách mạng năm 1979.
Chính phủ do ông Raisi lãnh đạo đã phản ứng bằng cách cử lực lượng an ninh dùng vũ lực giải tán các cuộc biểu tình, khiến hàng trăm người thiệt mạng và nhiều người bị thương, cùng hàng nghìn người bị bắt, theo các nhóm nhân quyền.
Một trong những sự kiện mang tính bước ngoặt trong nhiệm kỳ của ông Raisi là việc Iran và Arab Saudi, hai nước vốn xem nhau như kẻ thù, hồi tháng 3/2023 bất ngờ công bố thỏa thuận giúp khôi phục quan hệ ngoại giao.
Tuy nhiên, xung đột ở Dải Gaza giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas do Iran hậu thuẫn bùng phát hồi tháng 10/2023 đã khiến căng thẳng khu vực tiếp tục leo thang. Iran hồi tháng 4 phát động cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái và tên lửa vào Israel để đáp trả cuộc tập kích đại sứ quán Iran ở Syria trước đó. Đây là cuộc tấn công trực diện đầu tiên của Iran vào lãnh thổ Israel sau hàng chục năm đối đầu căng thẳng.
Giới quan sát cho rằng cuộc tấn công của Iran, trong đó Israel và đồng minh đã đánh chặn thành công 99% vũ khí, dường như nhằm mục đích phô trương sức mạnh và được căn chỉnh để tránh khiến xung đột khu vực lan rộng. Israel sau đó cũng tiến hành đòn tấn công trả đũa mang tính biểu tượng, gây thiệt hại tối thiểu, nhằm "giữ thể diện" cho Tổng thống Raisi và tránh châm ngòi chiến tranh quy mô lớn.
Trước khi gặp tai nạn trực thăng, Tổng thống Raisi nhấn mạnh sự ủng hộ của Iran đối với người dân Palestine, tuyên bố "Palestine luôn là ưu tiên hàng đầu của thế giới Hồi giáo".
Sau khi Tổng thống Raisi được xác nhận thiệt mạng, Phó tổng thốngMohammad Mokhber sẽ trở thành quyền Tổng thống nếu được Lãnh tụ Tối cao Khamenei phê chuẩn.
Thanh Tâm (Theo AFP, Washington Post, CNN)