Phát biểu tại Điện Elysee, Paris sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 25/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi thúc đẩy "quan hệ hợp tác vững chắc giữa châu Âu và Trung Quốc", nói thêm rằng điều này phải dựa trên "chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ" cũng như thương mại "bình đẳng và cân bằng".
Đáp lại, ông Tập nhấn mạnh "một châu Âu đoàn kết và thịnh vượng phù hợp với tầm nhìn của Trung Quốc về một thế giới đa cực". "Trung Quốc sẽ luôn ủng hộ sự hội nhập và phát triển của châu Âu", AFP dẫn lời ông Tập cho biết.
Tuyên bố của lãnh đạo Pháp và Trung Quốc đưa ra sau khi hai bên ký kết một loạt thỏa thuận về năng lượng hạt nhân, trao đổi văn hóa, năng lượng sạch và hợp đồng đặt hàng 300 máy bay Airbus của Bắc Kinh, bao gồm 290 chiếc A320 và 10 chiếc A350.
Trước khi tới Pháp, ông Tập đã thăm Italy và chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ về việc nước này tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Động thái này khiến Italy trở thành quốc gia thành viên G7 (7 nền kinh tế hàng đầu thế giới) đầu tiên tham gia dự án.
Sáng kiến Vành đai và Con đường được ông Tập công bố vào năm 2013, với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng để liên kết Trung Quốc với châu Âu, châu Phi và châu Á. Macron khẳng định Pháp và Trung Quốc sẽ hợp tác trong các dự án đầu tư ở một số quốc gia nhằm cung cấp bước đệm cho sáng kiến được coi như "Con đường Tơ lụa mới" này. Ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc giúp họ "thiết lập một quan niệm chung cho trật tự thế giới mới".
Chuyến thăm của ông Tập dường như đặt ra thách thức với Macron, người được cho là muốn vừa tăng cường quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc, vừa đẩy lùi tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng trên toàn cầu của Bắc Kinh. Trong khi đó, Mỹ đang nỗ lực lôi kéo các đồng minh châu Âu không sử dụng sản phẩm của Huawei với lý do tập đoàn viễn thông này có thể cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc.