Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 21/3 sẽ khởi hành tới châu Âu và thăm chính thức các nước Italy, Monaco và Pháp, theo AFP. Chuyến thăm của ông diễn ra một tuần sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch 10 điểm phác thảo mối quan hệ quyết đoán hơn với Trung Quốc, cảnh báo Bắc Kinh vừa là "đối thủ" vừa là đối tác thương mại lớn nhất.
Tuy nhiên, ông Tập được trông đợi sẽ đảm bảo một thỏa thuận không ràng buộc để Italy tham gia sáng kiến "Vành đai Con đường" trị giá 1.000 tỷ USD.
Trung Quốc đã tài trợ cho các dự án hàng hải, đường sắt và đường bộ ở châu Á, châu Phi và châu Âu qua sáng kiến "Vành đai Con đường", nhưng các nhà phê bình cảnh báo sáng kiến này chủ yếu mang lại lợi ích cho các công ty Trung Quốc và tạo "bẫy nợ" cho những quốc gia yếu thế về tài chính.
Italy sẽ là nước đầu tiên trong G7 tham gia vào sáng kiến đầy tham vọng này, làm dấy lên lo ngại từ các nước đồng minh phương Tây. Hai nước thành viên EU là Hy Lạp và Ba Lan cũng đã tham gia, khiến các nước trong khối lo ngại điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc ở châu Âu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, người sẽ gặp ông Tập, bác bỏ những lo ngại. "Đối với chúng tôi, hợp tác với Trung Quốc trong Vành đai Con đường là lựa chọn mang tính chất kinh tế hoặc thương mại thuần túy, hoàn toàn phù hợp với quan điểm của chúng tôi trong liên minh Đại Tây Dương và trong EU", ông Conte nói.
Theo một tài liệu được công bố trên truyền thông Italy, Bắc Kinh và Rome cam kết hợp tác trong lĩnh vực hậu cần, đầu tư cơ sở hạ tầng, tài chính và môi trường. Giuliano Noci, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Bách khoa Milan, nói rằng Bắc Kinh chú trọng đầu tư vào các cảng của Italy là Trieste và Genoa nhằm tạo đà xâm nhập thị trường châu Âu.
Noci cho rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng cần đảm bảo rằng "các cảng vẫn là của Italy" và cảnh báo Rome phải tránh mô hình cảng Piraeus của Hy Lạp, vốn đã bị hãng vận tải khổng lồ Trung Quốc Cosco tiếp quản vào năm 2016.
Giáo sư Xu Tiebing tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, nhận định Italy vẫn duy trì thái độ ủng hộ đối với Bắc Kinh dù chịu "một số sức ép từ Mỹ".
Chuyến đi của ông Tập cũng diễn ra khi Mỹ đang kêu gọi các đồng minh châu Âu loại bỏ thiết bị của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei khỏi mạng 5G vì cho rằng Huawei hoạt động gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Khi gặp ngoại trưởng các nước EU tại Brussels hôm 18/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích những "đòn" nhằm vào Huawei là "bất thường, vô đạo đức".
Trong khi Mỹ và Australia đã loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G, các nước châu Âu vẫn để mở cánh cửa với tập đoàn Trung Quốc. Chính phủ liên minh Italy đang bị chia rẽ khi người đứng đầu Phong trào Năm sao muốn Huawei thử nghiệm 5G tại một số thành phố, trong khi Phó thủ tướng thận trọng hơn, cảnh báo sẽ chống lại mọi mối đe dọa với an ninh quốc gia.
Chủ tịch Trung Quốc sẽ gặp Tổng thống Emmanuel Macron khi thăm Pháp, quốc gia có hai nhà mạng đang sử dụng thiết bị Huawei cho mạng 4G và thử nghiệm cho mạng 5G. Chính phủ Pháp từng cảnh báo nguy cơ sử dụng thiết bị Huawei nhưng đến nay, họ chưa thực hiện bước quyết định nào.
Ông Tập là Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên đến thăm Monaco, quốc gia nhỏ thứ hai trên thế giới, có ba mặt tiếp giáp nước Pháp và mặt còn lại giáp Địa Trung Hải, và sẽ hội đàm với Hoàng tử Albert II. Monaco đã ký thỏa thuận với Huawei để được hỗ trợ dự án "Quốc gia 5G".
Điểm đến bất thường này là một phần trong "học thuyết mở rộng sang Địa Trung Hải và Biển Đen" của Trung Quốc nhằm tìm kiếm các cơ hội, Francois Godement, cố vấn châu Á tại Viện nghiên cứu Montaigne ở Paris, cho biết.
Monaco là điểm thu hút khách du lịch và là một thành trì tài chính, Godement nói, thêm rằng Trung Quốc thích "vun đắp mối quan hệ song phương ngay cả với những quốc gia nhỏ nhất".