Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ bị người đàn ông lạ tát vào mặt khi tới chào hỏi đám đông ở thị trấn Tain-l'Hermitage, vùng Drome, miền đông nam nước Pháp ngày 8/6.
Khi nghi phạm Damien T. túm tay phải Macron và chuẩn bị giơ tay tát ông, một vệ sĩ mặc vest đen ở phía sau lập tức giơ tay để bảo vệ Tổng thống nhưng không kịp. Người này sau đó choàng tay qua người Macron để bảo vệ và đưa ông rời đi, trong khi các vệ sĩ khác khống chế Damien. Động cơ tấn công Tổng thống của người đàn ông này hiện chưa được xác định.
Vụ tấn công được coi là một thất bại an ninh của lực lượng bảo vệ Tổng thống Pháp. Trong chuyến đi tới Tain-l'Hermitage, Macron được hộ tống bởi 10 thành viên Đội bảo vệ An ninh cho Tổng thống Pháp (GSPR).
Theo kênh truyền hình BFM của Pháp, các thành viên GSPR đã tới khảo sát các địa điểm trước chuyến thăm. Các nhân viên vũ trang của GSPR sau đó được chỉ định để bảo vệ Macron trong chuyến đi này, nhưng họ dường như không lường trước được tình huống một dân thường sẽ tát vào mặt Tổng thống.
GSPR hiện có 77 thành viên, gồm cả nam và nữ, chịu trách nhiệm bảo vệ ông Macron trong các sự kiện. Trước đây, bộ phận này gồm 30 thành viên của lực lượng Hiến binh Quốc gia và 30 thành viên lực lượng Cảnh sát Quốc gia, do một trung tá Hiến binh Quốc gia hoặc Cảnh sát Quốc gia luân phiên phụ trách.
Kể từ năm 2019, giám đốc của GSPR là Georges Salinas, thuộc lực lượng Cảnh sát Quốc gia, với sự hỗ trợ của đại tá Benoit Ferrand của lực lượng Hiến binh Quốc gia.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Nicolas Sarkozy, đơn vị này chỉ bao gồm cảnh sát từ cơ quan bảo vệ an ninh SDLP thuộc lực lượng Cảnh sát Quốc gia, và các thành viên từ Nhóm Tìm kiếm, Hỗ trợ, Can thiệp và Răn đe (RAID).
Vào thời điểm đó, GSPR có 90 thành viên vì mức độ đe dọa cao hơn, nhưng không có sĩ quan nào từ Hiến binh Quốc gia, một lực lượng bán quân sự, được chọn. Sarkozy cho rằng trong đội cận vệ của ông không nên có lực lượng quân sự.
Hiến binh Quốc gia tiếp tục xuất hiện trong GSPR sau khi Tổng thống Francois Hollande lên nắm quyền vào năm 2012. Kể từ đó, số thành viên GSPR được giảm xuống khoảng 60 người. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền năm 2017, Tổng thống Macron đã tăng quy mô đơn vị này lên 77 người.
Các thành viên của GSPR được trang bị nhiều vũ khí hiện đại để thực thi nhiệm vụ, như dùi cui, súng lục Glock 17 và Glock 26, tiểu liên Heckler & Koch MP5 và Brügger & Thomet MP9, cùng súng trường tấn công Heckler & Koch G36.
Được thành lập bởi cựu tổng thống Pháp Francois Mitterrand năm 1983, GSPR chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho nguyên thủ quốc gia và luôn sẵn sàng trực chiến 24/7. Họ luôn song hành cùng các tổng thống Pháp tại hầu hết mọi địa điểm mà ông có mặt.
Các thành viên GSPR khi bảo vệ Tổng thống phải luôn dự đoán và đối phó với tất cả các mối đe dọa có thể xảy ra. Trước mỗi chuyến đi của tổng thống, họ cũng phải khảo sát trước mọi điểm đến.
Các thành viên GPSR là những sĩ quan ưu tú được huấn luyện về chiến thuật đối phó bắn tỉa, có nghĩa họ có thể hạ gục kẻ bắn tỉa nếu có. Họ cũng được đào tạo chiến thuật che chắn tổng thống trong tình huống nguy hiểm phát sinh. Đặc biệt, phẩm chất mà mọi thành viên GPSR phải có là lòng trung thành và sự thận trọng tuyệt đối.
Trong mỗi chuyến đi, nhiệm vụ của các thành viên GSPR là ở càng gần Tổng thống càng tốt. Họ thường hình thành tam giác bảo vệ, trong đó ba sĩ quan GSPR được trang bị súng ngắn và có thể là tiểu liên P90 nhỏ gọn với ổ đạn 50 viên, đứng ở ba điểm xung quanh tổng thống để tránh nguy cơ có điểm mù khi sự cố phát sinh và sẵn sàng hạ gục những kẻ tấn công.
Trong trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ như việc Tổng thống Macron bị tát ngày 8/6, các thành viên nhóm này có thể áp dụng chiến thuật "bong bóng", trong đó 4 người tạo thành một vòng tròn để che chắn cho Tổng thống trước các đối tượng bên ngoài, và có thể thực hiện sàng lọc nhanh đối tượng khả nghi nếu cần thiết.
Giống nhiều lực lượng bảo vệ nguyên thủ quốc gia khác, các thành viên GSPR luôn sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Tổng thống Pháp.
Phát biểu sau vụ tấn công, Tổng thống Macron cho rằng đây chỉ là "sự cố cá biệt", khẳng định ông vẫn ổn và nhấn mạnh ông không muốn "các sự kiện cá biệt, những cá nhân cực đoan chiếm sóng dư luận, bởi chúng không xứng".
Thanh Tâm (Theo BBC, Le Figaro, RTL)