"Tôi nghĩ thật không phù hợp khi một nhà ngoại giao sử dụng ngôn ngữ như vậy", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với phóng viên bên lề hội nghị thượng đỉnh Biển Bắc ở Bỉ hôm 24/4, khi được hỏi về phát biểu gần đây của Đại sứ Trung Quốc tại Paris Lô Sa Dã liên quan chủ quyền của các nước hậu Liên Xô.
Ông Macron kêu gọi "đoàn kết với các quốc gia bị tấn công khi tìm hiểu về lịch sử và biên giới của họ", nhấn mạnh rằng biên giới của các nước từng thuộc Liên Xô là "bất khả xâm phạm".
Trong cuộc phỏng vấn hôm 21/4, khi được hỏi liệu bán đảo Crimea có phải một phần của Ukraine hay không, ông Lô Sa Dã nói rằng Crimea theo lịch sử vốn là một phần của Nga và cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã trao bán đảo cho Ukraine.
"Các quốc gia từng thuộc Liên Xô thậm chí không có địa vị thực tế theo luật pháp quốc tế, vì không có thỏa thuận quốc tế nào xác nhận tư cách quốc gia có chủ quyền của họ", Đại sứ Lô Sa Dã nói thêm.
Bộ Ngoại giao Pháp hôm 24/4 cho biết Đại sứ Lô Sa Dã được yêu cầu "đưa ra những nhận xét công khai phù hợp với quan điểm chính thức của đất nước mình" tại cuộc họp đã "được lên kế hoạch từ lâu" tại trụ sở của cơ quan này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp ban đầu đăng toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn bằng cả tiếng Trung và tiếng Pháp trên tài khoản WeChat sáng 24/4. Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, nội dung đã bị xóa và cuộc phỏng vấn cũng chưa được đăng trên trang web của đại sứ quán.
Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 24/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định Trung Quốc tôn trọng vị thế quốc gia có chủ quyền của các nước cộng hòa sau khi Liên Xô tan rã, nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia đó.
Khi được hỏi liệu lập trường của ông Lô có phải là quan điểm chính thức của Trung Quốc hay không, bà Mao nói rằng chỉ phát biểu của bà về vấn đề chủ quyền mới đại diện cho lập trường của chính phủ Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Pháp cho biết "đã ghi nhận những giải thích" của phía Trung Quốc, trong đó có việc nhận xét của Đại sứ được đưa ra với "tư cách cá nhân".
Phát biểu của ông Lô Sa Dã đã vấp phải nhiều chỉ trích từ Liên minh châu Âu (EU), Ukraine, Đức và các nước Baltic Estonia, Litva và Latvia. Ba quốc gia vùng Baltic đã triệu đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải trình phát ngôn của ông Lô.
Đại sứ Lô Sa Dã từng được biết tới với phong cách ngoại giao chiến lang cùng những phát ngôn gay gắt. Hồi tháng 1/2019, ông Lô cáo buộc Canada theo "chủ nghĩa da trắng thượng đẳng" vì kêu gọi trả tự do cho hai công dân bị bắt ở Trung Quốc, vài ngày sau khi giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Mỹ. Khi đảm nhận vị trí Đại sứ tại Pháp, ông Lô năm 2021 gây tranh cãi khi gọi một nhà nghiên cứu phê bình Pháp là "côn đồ" trên Twitter.
Huyền Lê (Theo AFP, Bloomberg)