Tổng thống Nga Dmitry Medvedev phát biểu trên truyền hình. Ảnh: AFP. |
Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia từ khu nghỉ dưỡng Sochi, ông Medvedev đã nêu bật những điểm chính trong chính sách đối ngoại của Nga trong tương lai.
Ông Medvedev cũng cho rằng thế giới sẽ được ổn định hơn nếu Mỹ bớt chi phối các vấn đề toàn cầu. "Thế giới phải đa cực, thống trị là điều không thể chấp nhận. Chúng ta không thể chấp nhận một trật tự thế giới mà mọi quyết định đều do một nước đưa ra, cho dù đó là nước hùng mạnh như Mỹ. Một thế giới như thế sẽ bất ổn và thiên về xung đột", ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông tuyên bố Nga không hề muốn có quan hệ thù địch với Mỹ và các nước phương Tây khác cũng như tự cô lập mình. "Chúng tôi sẽ phát triển một cách mạnh mẽ nhất có thể mối quan hệ thân thiện với châu Âu, Mỹ và các nước khác trên thế giới".
Cũng theo thông báo của ông Medvedev, Nga đang chuẩn bị ký các thỏa thuận với hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia của Gruzia, trong đó có chi tiết về các nghĩa vụ hỗ trợ về kinh tế, quân sự và các lĩnh vực khác của Nga đối với hai khu vực này. Tổng thống Nga nói các thỏa thuận sẽ đặt nền móng cho những mối quan hệ "liên minh" trong tương lai.
5 điểm chính trong chính sách đối ngoại của Nga |
1. Các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế luôn được đặt lên hàng đầu. 2. Thế giới phải đa cực vì đơn cực là không thể chấp nhận 3. Nga không tìm cách đối đầu với các nước khác 4. Nga sẽ bảo vệ sinh mạng các công dân nước mình cho dù họ ở bất cứ đâu 5. Nga sẽ phát triển mối quan hệ với các khu vực thân thiện |
Nga sẽ bảo vệ những lợi ích mà ông Medvedev gọi là "đặc quyền" tại các nước thuộc Liên Xô cũ, đồng thời bảo vệ cho các công dân của mình cũng như lợi ích trong hoạt động kinh doanh của họ ở nước ngoài. Matxcơva có thể cân nhắc đến các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia không thân thiện, nhưng sẽ cố gắng tránh phải làm việc này.
Quyết định của Tổng thống Dmitry Medvedev hôm 26/8 về việc công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia đã gây ra làn sóng chỉ trích dữ dội từ các nước phương Tây. Nhưng Matxcơva không hề có ý định xuống nước trước sức ép, khi ông Medvedev hôm qua tái khẳng định quan điểm: "Chúng tôi đã đưa ra quyết định và điều này là không thể thay đổi".
Các nhà lãnh đạo 27 nước EU hôm nay nhóm họp khẩn cấp để bàn về cách thức hành xử trước quan điểm cứng rắn của Matxcơva đối với hai vùng ly khai tại Gruzia. Một số nước như Anh và Ba Lan kêu gọi trừng phạt Nga, đồng thời hoãn các cuộc đàm phán về thỏa thuận hợp tác và đối tác mới Nga - EU. Tuy nhiên giới quan sát nhận định sẽ không có nhiều khả năng về việc EU áp dụng lệnh trừng phạt Matxcơva.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin hôm qua cũng phát biểu trên truyền hình, trong đó cho rằng châu Âu không nên "phụng sự các lợi ích chính trị của một ai khác" và làm theo mệnh lệnh của Washington về thực thi quan điểm cứng rắn với Nga. Ông nhấn mạnh Matxcơva không hề e sợ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Putin đang có chuyến thăm khu vực Viễn Đông của Nga. Vị thủ tướng cho biết Nga sẽ đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng và mở rộng bạn hàng xuất khẩu để thúc đẩy thị trường châu Á. Đây được coi là tuyên bố đáp trả lời kêu gọi trước đó của Thủ tướng Anh Gordon Brown về việc, châu Âu nên ra một chính sách năng lượng thống nhất nhằm tránh sự phụ thuộc vào Nga.
Nga đang cung cấp cho các nước EU khoảng một phần ba nhu cầu về dầu mỏ và hai phần năm nhu cầu khí đốt. Tuy vậy, Thủ tướng Vladimir Putin cũng trấn an rằng, dù Nga đang có kế hoạch mở rộng xuất khẩu năng lượng sang châu Á, điều này cũng không có nghĩa họ sẽ cắt giảm nguồn cung cấp cho thị trường châu Âu.
"Chúng tôi sẽ không áp dụng bất cứ sự hạn chế nào và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng. Nhưng chúng tôi sẽ mở rộng và đa dạng hóa cơ hội của mình trong việc xuất khẩu năng lượng. Nền kinh tế toàn cầu, và đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của khu vực châu Á Thái Bình Dương, cần điều đó", Putin nhấn mạnh.
Cuộc chiến Nga - Gruzia |
Đêm 7/8: Gruzia khai mào cuộc chiến khi bất ngờ tấn công tổng lực nhằm tái chiếm Nam Ossetia. |
Đình Chính (theo Ria Novosti, AP)