"Mối đe dọa hiện hữu" khiến Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Anez hủy chuyến đi tới quê nhà ở tỉnh Beni, đông bắc nước này hôm 18/11, Bộ trưởng Nội vụ Arturo Murillo nói trong cuộc họp báo ở La Paz, đồng thời cho biết "người Venezuela, Cuba và Colombia" có liên quan đến sự việc nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Ba quốc gia được nhắc đến chưa đưa ra bình luận.
Chính phủ lâm thời Bolivia hôm 15/11 yêu cầu quan chức Venezuela rời khỏi đất nước và cáo buộc các bác sĩ Cuba liên quan đến tình trạng bất ổn của nước này. Bộ Ngoại giao Cuba tuyên bố các bác sĩ của họ không ủng hộ bất kỳ cuộc biểu tình nào, cho biết một số người đã bị tấn công.
Cuba và Venezuela ủng hộ cựu tổng thống Evo Morales, người từ chức hôm 10/11 sau nhiều tuần biểu tình bạo lực vì cáo buộc gian lận phiếu bầu. Morales đang tị nạn tại Mexico, song những người ủng hộ ông vẫn xuống đường biểu tình và đụng độ với lực lượng an ninh. Một tổ chức nhân quyền của chính phủ Bolivia nói rằng 23 người đã chết do tình trạng bất ổn trong thời gian qua.
Tổng thống lâm thời Anez, 52 tuổi, cam kết sẽ phối hợp với đảng Phong trào Xã hội Chủ nghĩa (MAS) của Morales và tổ chức các cuộc bầu cử mới dù không có sự tham gia của Morales, người lãnh đạo đất nước từ năm 2006. Tuy nhiên, nỗ lực đối thoại với người ủng hộ cựu tổng thống Bolivia đang rơi vào bế tắc.
Jerjes Justiniano, cố vấn mới được bổ nhiệm của Tổng thống lâm thời Bolivia, nói rằng ông sẽ khuyến cáo bà Anez ngay lập tức tổ chức bầu cử bằng sắc lệnh tổng thống nếu không có thỏa thuận. Chính phủ Bolivia sẽ đảm bảo bầu cử diễn ra trong thời hạn bắt buộc 90 ngày, theo Bộ trưởng Murillo.
Huyền Lê (Theo Reuters)
Xem thêm:
Tổng thống Bolivia để lại di sản hỗn loạn
Thách thức bủa vây Tổng thống lâm thời Bolivia