"Những kẻ vũ trang chờ thời cơ hành động đã tham gia các cuộc biểu tình, với mục tiêu chính là phá hoại trật tự hiến pháp, phá hủy các thể chế chính phủ và chiếm đoạt quyền lực. Đó là một âm mưu đảo chính", Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev hôm nay phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước đó, Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết nước này đã "dẹp yên khủng bố", bắt 7.939 người, tiêu diệt 26 "tội phạm có vũ trang" sau một tuần nổ ra biểu tình, bạo loạn trên cả nước.
Tuy nhiên, Tổng thống Tokayev khẳng định lực lượng an ninh Kazakhstan "không bao giờ nổ súng" vào những người biểu tình ôn hòa, thêm rằng sứ mệnh gìn giữ hòa bình của CSTO do Nga dẫn đầu tại Kazakhstan sẽ sớm kết thúc.
Phát biểu tại cuộc họp, Putin nói rằng Kazakhstan bị "khủng bố quốc tế" nhắm mục tiêu, dẫn đến cuộc bạo loạn trong tuần qua. Ông nói thêm rằng lực lượng gìn giữ hòa bình do Moskva dẫn đầu được triển khai để đối phó tình trạng bất ổn ở Kazakhstan sẽ không ở lại lâu dài.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO cử đến Kazakhstan chỉ được triển khai có thời hạn", Putin nói, nhấn mạnh Nga sẽ không để xảy ra "các cuộc cách mạng" trong khu vực.
Biểu tình bùng phát ở Kazakhstan từ đầu tháng để phản đối chính phủ quyết định ngừng trợ giá khí đốt hóa lỏng (LPG), khiến giá loại nhiên liệu này ở nhiều nơi tăng gấp đôi. Biểu tình sau đó nhanh chóng lan rộng ra các địa phương rồi leo thang thành bạo loạn ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan.
Dưới sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc CSTO, tình hình Kazakhstan đã trở lại ổn định. Almaty, thành phố lớn nhất đất nước và tâm điểm của bạo loạn tuần qua, đã quay lại với nhịp sống bình thường.
CSTO hiện bao gồm 6 thành viên là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Tổ chức được thành lập trên cơ sở Hiệp ước An ninh Tập thể được ký năm 1992, tiếp nối sự kiện thành lập Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) sau khi Liên Xô tan rã.
Liên minh quân sự này có trụ sở ở Moskva, nhưng ghế chủ tịch do các nước thành viên luân phiên đảm nhiệm và mọi quyết định được đưa ra trên cơ sở đồng thuận. Các nước thành viên hàng năm tổ chức tập trận chung và không được phép tham gia những liên minh quân sự khác, như NATO.
Hiến chương của CSTO tạo cơ sở pháp lý cho phép các nước thành viên triển khai lực lượng quân sự tới lãnh thổ của nhau, mua vũ khí theo tỷ giá nội địa của Nga và thiết lập hệ thống phòng không chung.
Huyền Lê (Theo AFP)